image banner
Sửa đổi Mục lục Ngân sách Nhà nước đáp ứng yêu cầu quản lý của Luật Ngân sách Nhà nước 2015 và các văn bản quy phạm pháp luật liên quan
Lượt xem: 1605
Năm 2017 là năm đánh dấu nhiều điểm mới trong công tác quản lý Ngân sách Nhà nước. Đặc biệt phải kể đến là Luật Ngân sách Nhà nước 2015 - có hiệu lực từ năm ngân sách 2017, Luật Phí và lệ phí - có hiệu lực từ 1/1/2017…Điều đó đòi hỏi các văn bản quy định, hướng dẫn dưới Luật phải bổ sung, sửa đổi để đáp ứng yêu cầu quản lý mới, trong đó có quy định về Mục lục Ngân sách Nhà nước (MLNSNN). Bên cạnh đó, một số văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực Thuế, Xử lý vi phạm hành chính… được thay đổi, cũng đòi hỏi việc sửa đổi, bổ sung Mục lục Ngân sách Nhà nước cho phù hợp.

Năm 2017 là năm đánh dấu nhiều điểm mới trong công tác quản lý Ngân sách Nhà nước. Đặc biệt phải kể đến là Luật Ngân sách Nhà nước 2015 - có hiệu lực từ năm ngân sách 2017, Luật Phí và lệ phí - có hiệu lực từ 1/1/2017…Điều đó đòi hỏi các văn bản quy định, hướng dẫn dưới Luật phải bổ sung, sửa đổi để đáp ứng yêu cầu quản lý mới, trong đó có quy định về Mục lục Ngân sách Nhà nước (MLNSNN). Bên cạnh đó, một số văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực Thuế, Xử lý vi phạm hành chính… được thay đổi, cũng đòi hỏi việc sửa đổi, bổ sung Mục lục Ngân sách Nhà nước cho phù hợp.

image

Tổng Giám đốc KBNN Nguyễn Hồng Hà chỉ đạo và phát biểu tại Hội Thảo về dự thảo thông tư ban hành hệ thống MLNSNN

Nguyên tắc, cơ sở xây dựng Mục lục Ngân sách Nhà nước

Được Bộ Tài chính giao nhiệm vụ xây dựng Thông tư về Hệ thống MLNSNN áp dụng trong công tác lập dự toán; quyết định, phân bổ, giao dự toán; chấp hành, kế toán, quyết toán các khoản thu, chi ngân sách nhà nước, KBNN đã phối hợp với các đơn vị liên quan tích cực triển khai nghiên cứu, xây dựng và hoàn thiện hệ thống mục lục ngân sách nhà nước trình Bộ Tài chính ban hành để áp dụng theo lộ trình, đảm bảo các yêu cầu:

Đảm bảo phù hợp với yêu cầu quản lý của Luật NSNN 2015, Luật phí và lệ phí, các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan.

Đảm bảo tính đầy đủ, toàn diện, phân biệt rõ nội dung và không chồng chéo, vừa phục vụ công tác lập và chấp hành, kế toán, quyết toán NSNN, vừa phục vụ công tác phân tích chính sách tài chính nhà nước;

Sửa đổi theo hướng đơn giản, thống nhất từ khâu lập, chấp hành và quyết toán NSNN, tạo thuận lợi cho việc so sánh, đánh giá theo tiêu chí thống nhất trong suốt chu trình quản lý NSNN;

Đảm bảo tính hệ thống “mở” để cập nhật áp dụng chế độ, chính sách mới ban hành; Đảm bảo tính khả thi, giảm thiểu tác động đến các hệ thống ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý và tổ chức thực hiện ngân sách của các cơ quan đơn vị thuộc Bộ Tài chính, các đơn vị sử dụng ngân sách, doanh nghiệp.

MLNSNN mới đã kế thừa những ưu điểm của MLNSNN hiện hành, khắc phục những mặt còn tồn tại, đồng thời vận dụng có chọn lọc các nguyên tắc, chuẩn mực và thông lệ quốc tế để sửa đổi, bổ sung MLNSNN bảo đảm tính: Khoa học, đầy đủ, toàn diện, đơn giản, dễ làm, dễ hiểu, đáp ứng được các yêu cầu quản lý ngân sách của các cấp, các ngành, có đủ nguồn cung cấp thông tin lập báo cáo theo yêu cầu của tổ chức quốc tế, tạo điều kiện thuận lợi cho người thực hiện và người sử dụng số liệu về ngân sách. Đồng thời đã vận dụng nguyên tắc “mở” để đáp ứng được sự thay đổi trong tương lai, kể cả các yêu cầu hạch toán, theo dõi số liệu kế toán ngân sách trong các quan hệ tài chính ngân sách với quốc tế .

Dự thảo Thông tư MLNSNN đã được lấy ý kiến rộng rãi của các Bộ, cơ quan TW, địa phương và qua nhiều lần hoàn thiện theo các phương án. Dưới sự chỉ đạo Bộ Tài chính, KBNN đã tổ chức các Hội thảo tổng hợp ý kiến, phối hợp với các Vụ, Cục, Tổng cục của Bộ Tài chính để hoàn thiện, trình Bộ Tài chính ban hành.

image

Phó Tổng giám đốc KBNN Đặng Thị Thủy phát biểu và chỉ đạo tại Hội thảo về MLNSNN và báo cáo NSNN

Những nội dung chủ yếu được sửa đổi trong MLNSNN mới

MLNSNN mới tuân thủ chặt chẽ các nguyên tắc nêu trên, đặc biệt phải đảm bảo tính khả thi và tránh gây xáo trộn cho các cơ quan, đơn vị quản lý, sử dụng NSNN. Do vậy, trước mắt hệ thống MLNS được xây dựng theo hướng: mã ngành kinh tế (Loại, Khoản) được thiết kế theo các lĩnh vực chi ngân sách được quy định của Luật NSNN 2015, các đoạn mã khác được rà soát để loại bỏ hoặc gom lại những mã có cùng tính chất, cập nhật tên các đoạn mã theo các văn bản mới. Vì vậy, về cơ bản, ngoại trừ mã ngành kinh tế, các đoạn mã khác trước mắt sẽ không có nhiều thay đổi so với hiện hành. Cụ thể như sau:

Mã Chương: về cơ bản giữ nguyên mã số Chương theo quy định hiện hành. Ngoài ra, rà soát và lược bỏ các mã Chương không còn tồn tại, bổ sung các Chương mới phát sinh, sửa tên theo đúng tên hiện hành.

Chương được mã số hoá theo 3 ký tự theo từng cấp quản lý: Đối với cơ quan ở cấp trung ương, mã số từ 001 đến 399; đối với cơ quan ở cấp tỉnh, mã số từ 400 đến 599; đối với cơ quan ở cấp huyện, mã số từ 600 đến 799; đối với cơ quan cấp xã, mã số từ 800 đến 989.

Cách thức bố trí: Đối với cơ quan chủ quản hoặc đơn vị, tổ chức kinh tế được bố trí mã riêng cho từng cơ quan chủ quản hoặc đơn vị, tổ chức kinh tế; các đơn vị trực thuộc cơ quan chủ quản (hoặc thuộc đơn vị, tổ chức kinh tế cấp trên) được sử dụng mã Chương của cơ quan chủ quản (đơn vị, tổ chức kinh tế cấp trên).

Đối với từng nhóm đơn vị, tổ chức kinh tế, hoặc cá nhân độc lập, có cùng tính chất được bố trí mã Chương chung cho nhóm các đơn vị, tổ chức, cá nhân đó.

Mã ngành kinh tế (Loại, Khoản): Đây có thể coi là thay đổi lớn nhất trong hệ thống MLNS mới. Loại được mã số hoá theo 3 ký tự, là số chẵn theo hàng chục, khoảng cách giữa các Loại là 30 giá trị. Riêng Loại các hoạt động kinh tế là 60 giá trị. Khoản được mã số hoá theo 3 ký tự với các giá trị liền sau mã số của từng Loại tương ứng.

Hệ thống MLNS bố trí 13 Loại (chi tiết 90 Khoản) tương ứng 13 lĩnh vực chi theo quy định tại Điều 36 và Điều 38 Luật NSNN 2015 (cho cả chi đầu tư và chi thường xuyên), bao gồm: Quốc phòng; An ninh và trật tự an toàn xã hội; Giáo dục - đào tạo và dạy nghề; Khoa học và công nghệ; Y tế, dân số và gia đình; Loại Văn hóa thông tin; Phát thanh, truyền hình, thông tấn; Thể dục thể thao; Bảo vệ môi trường; Các hoạt động kinh tế; Hoạt động của các cơ quan quản lý nhà nước, Đảng, đoàn thể; Bảo đảm xã hội; Tài chính và khác. Ngoài ra, bố trí thêm loại 14 - Chuyển giao, chuyển nguồn để phản ánh, hạch toán chi các khoản chuyển giao các cấp và chuyển sang năm sau như bổ sung cân đối cho ngân sách cấp dưới, bổ sung có mục tiêu cho ngân sách cấp dưới, nộp ngân sách cấp trên, chuyển nguồn sang năm sau, hỗ trợ địa phương khác theo quy định.

Với phương án này, không cần sử dụng mã nhiệm vụ chi trong khâu nhập dự toán. Khi đó, thay vì nhập mã nhiệm vụ chi sẽ thực hiện nhập mã Loại tổng hợp tương ứng. Đây là nội dung cải cách lớn nhất của hệ thống MLNS mới; việc bố trí loại, khoản đảm bảo sự thống nhất giữa các khâu lập phân bổ, giao dự toán, chấp hành và quyết toán: Dự toán Quốc hội, Hội đồng nhân dân quyết định, Chính phủ, Uỷ ban nhân dân giao cho đơn vị dự toán cấp 1 thống nhất với dự toán đơn vị dự toán cấp 1 giao cho đơn vị sử dụng ngân sách. Ngoài ra, với cách bố trí thống nhất 13 loại cho cả chi đầu tư và chi thường xuyên, tạo nên sự thống nhất tiêu chí phân loại theo lĩnh vực của hai nội dung chi này. Từ đó, có thể thấy, các khoản chi NSNN được phân loại một cách thống nhất và lô gic trong tất cả các khâu quản lý và các cấp ngân sách.

Mã nội dung kinh tế (Mục, Tiểu mục): Mã nội dung kinh tế được xây dựng theo nguyên tắc: Lược bỏ các tiểu mục không còn sử dụng; Ghép các Tiểu mục cùng tính chất; Sửa lại tên một số Tiểu mục và bổ sung một số tiểu mục mới cho phù hợp với yêu cầu quản lý.

Riêng về Mục, Tiểu mục thu phí, lệ phí: do cập nhật mới theo Luật Phí, lệ phí 2015, nên có một số mã Mục, Tiểu phí, lệ phí được đánh theo mã số mới.

Mã chương trình mục tiêu quốc gia: Bổ sung 02 mã Chương trình mục tiêu quốc gia Quốc hội quyết định và đã được Thủ tướng Chính phủ ban hành mã dự án chi tiết; bổ sung mã số 21 Chương trình mục tiêu giai đoạn 2016-2020 theo danh mục được Ủy ban thường vụ Quốc hội phê duyệt tại Nghị quyết số 1023/NQ-UBTVQH ngày 28/8/2015, nhưng MLNSNN chưa quy định chi tiết các mã dự án (do Chính phủ chưa quy định chi tiết danh mục).

Mã Nguồn ngân sách nhà nước: Ngoài 2 mã nguồn NSNN quy định trong Mục lục NSNN hiện hành (mã 01 và 50), mã nguồn NSNN khác vẫn cần thiết chi tiết để phục vụ công tác hạch toán theo dự toán, báo cáo, quyết toán theo yêu cầu quản lý. Tuy nhiên, để đơn giản MLNS, dự thảo thông tư về MLNSNN chỉ để 2 mã Nguồn trong nước và ngoài nước theo MLNS hiện hành theo dự toán Quốc hội, HĐND quyết định (mã 01 và 50), các mã nguồn chi tiết phục vụ hạch toán, kế toán, báo cáo, quyết toán được sửa đổi bổ sung vào văn bản pháp lý hướng dẫn kế toán nhà nước áp dụng cho TABMIS.

image

Toàn cảnh Hội thảo dự thảo thông tư ban hành hệ thống MLNSNN

Những tác động của MLNSNN mới và thời điểm áp dụng MLNSNN

Với việc phân loại, sắp xếp và bố trí lại MLNS mới, không chỉ tác động đến công tác lập và phân bổ NSNN mà còn tác động trực tiếp đến công tác kiểm soát, theo dõi, hạch toán kế toán, quyết toán NSNN. Việc gán mã số mới, xác lập quan hệ phụ thuộc (cha - con) đòi hỏi các phần mềm quản lý, kế toán thu, chi NSNN liên quan bắt buộc phải cập nhật, nâng cấp phù hợp, trong đó cần cập nhật cơ sở dữ liệu, danh mục các mã dùng chung, công thức lập chỉ tiêu báo cáo thu chi NSNN.

Đối với các phần mềm quản lý dữ liệu như TABMIS, Hệ thống phối hợp thu NSNN (TCS), các phần mềm quản lý của cơ quan thuế, hải quan, các Bộ và đơn vị sử dụng ngân sách, Danh mục dùng chung,... để đảm bảo công tác tổ chức vận hành khi chuyển sang MLNS mới cũng như theo dõi lưu giữ số liệu, quyết toán NSNN trong một vài năm, cần nâng cấp, chỉnh sửa và theo đó là các phương án hạ tầng thiết bị phù hợp. Bên cạnh đó, biểu mẫu báo cáo, công thức lập chỉ tiêu báo cáo, tài khoản kế toán cần rà soát, cập nhật cho đồng bộ.

Do Nghị địnhhướng dẫn Luật NSNN 2015 và Thông tư hướng dẫn nghị định (là căn cứ pháp lý để ban hành MLNSNN) hiện chưa ban hành; đồng thời việc triển khai Thông tư về MLNSNN mới cần có thời gian để các đơn vị tập huấn, chỉnh sửa chương trình ứng dụng liên quan, vì vậyMLNSNN mới với các nội dung thay đổi cơ bản nêu trên được đề xuất áp dụng từ năm ngân sách 2018 để kịp chuẩn bị các công việc liên quan.

Đối với ngân sách năm 2017

Trong khi chưa triển khai thực hiện MLNS mới nêu trên, ngân sách 2017 vẫn tiếp tục triển khai áp dụng MLNS ban hành theo Quyết định số 33/2008/QĐ-BTC ngày 02/6/2008 của Bộ trưởng Bộ Tài chính và các văn bản sửa đổi, bổ sung. Tuy nhiên, do Luật NSNN được áp dụng từ năm ngân sách 2017 (theo đódự toán Ngân sách 2017 đã được Quốc hội, Hội đồng nhân dân quyết định theo 13 lĩnh vực chi nêu trên) và Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định 40/2015/QĐ-TTg ngày 14/9/2015 ban hành nguyên tắc, tiêu chí và định mức phân bổ vốn đầu tư phát triển nguồn NSNN giai đoạn 2016 -2020 nên việc chuyển đổi mã số hạch toán ngành, lĩnh vực đầu tư theo Quyết định 40/2015/QĐ-TTg ngày 14/9/2015 và lĩnh vực chi ngân sách nhà nước theo Luật Ngân sách nhà nước số 83/2015/QH13 sang danh mục mã số nhiệm vụ chi áp dụng riêng cho năm ngân sách 2017 được thực hiện theo Bảng chuyển đổi kèm theo Thông tư về MLNSNN.

Như vậy, các quy định chi tiết về từng nội dung và thời điểm có hiệu lực tương ứng trong Thông tư MLNSNN mới là điểm cần lưu ý để tránh nhầm lẫn.

Căn cứ vào quy định trong Thông tư MLNSNN, KBNN sẽ có văn bản hướng dẫn chi tiết các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, cơ quan khác ở Trung ương (Vụ Kế hoạch - Tài chính); các cơ quan Tài chính, Kho bạc nhà nước địa phương, cơ quan thu các cấp có trách nhiệm phổ biến hướng dẫn các đơn vị trực thuộc, các đơn vị được phân công quản lý thực hiện việc lập dự toán, phân bổ giao dự toán, chấp hành dự toán và kế toán, quyết toán thu chi ngân sách nhà nước từ năm ngân sách 2017 cũng như việc xử lý số dư ngân sách năm 2016, chuyển sang năm 2017 theo đúng quy định của Luật NSNN 2015 và các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành. Đồng thời, tiếp tục phối hợp các đơn vị liên quan để sẵn sàng cho việc chuẩn bị, áp dụng MLNSNN mới từ năm ngân sách 2018./.

Tin khác
1 2 3 4 5  ... 





Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Đăng nhập