image banner
Lịch sử - Truyền thống Kho bạc Nhà nước
Lượt xem: 919

QUÁ TRÌNH HÌNH THÀNH VÀ PHÁT TRIỂN HỆ THỐNG KHO BẠC NHÀ NƯỚC TRỰC THUỘC BỘ TÀI CHÍNH

Hệ thống Kho bạc Nhà nước (KBNN) mà tiền thân là Nha Ngân khố Quốc gia trong những năm qua đã không ngừng lớn mạnh và góp phần cùng toàn ngành Tài chính hoàn thành tốt các nhiệm vụ chính trị được đặt ra trong từng thời kỳ và từng giai đoạn cách mạng, đảm bảo đáp ứng kịp thời các nhu cầu về nguồn lực tài chính phục vụ sự nghiệp xây dựng, phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc. Quá trình hình thành và phát triển hệ thống KBNN có thể khái quát như sau:

I. QUÁ TRÌNH HÌNH THÀNH HỆ THỐNG KBNN TRỰC THUỘC BỘ TÀI CHÍNH

1. Nha Ngân khố Quốc gia trực thuộc Bộ Tài chính trong công cuộc xây dựng nền Tài chính quốc gia non trẻ phục vụ nhiệm vụ kháng chiến và kiến quốc (giai đoạn 1946-1951)

Cách mạng tháng Tám năm 1945 thành công, chính quyền dân chủ nhân dân được thành lập. Việc đảm bảo tài chính phục vụ công cuộc kiến quốc và hoạt động của bộ máy nhà nước cách mạng non trẻ trong điều kiện khó khăn của nền kinh tế sau chiến tranh là trách nhiệm nặng nề và là thách thức vô cùng to lớn. Do đó, cần thiết phải thành lập cơ quan chuyên trách giải quyết các vấn đề về tài chính, tiền tệ của đất nước. Ngày 29/5/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh với tư cách là người đứng đầu Chính phủ đã ký Sắc lệnh số 75/SL về tổ chức bộ máy của Bộ Tài chính. Theo đó, Nha Ngân khố Quốc gia (tiền thân của hệ thống KBNN ngày nay) là một tổ chức cấu thành trong Bộ Tài chính, để thực hiện nhiệm vụ: tập trung quản lý các khoản thu về thuế, đảm phụ quốc phòng và công phiếu kháng chiến; quản lý và giám sát các khoản cấp phát theo dự toán; chịu trách nhiệm xác nhận và thanh toán kinh phí cho các đơn vị thụ hưởng; làm thủ tục quyết toán với cơ quan tài chính; phát hành giấy bạc Việt Nam và thực hiện nhiệm vụ kế toán.

Trong điều kiện đất nước vừa kháng chiến, vừa kiến quốc, Nha Ngân khố Quốc gia đã có nhiều đóng góp cho việc xây dựng và bảo vệ chính quyền nhân dân, đấu tranh chống lại những hoạt động của địch trên lĩnh vực tài chính - tiền tệ, góp phần bước đầu tạo nên nền tài chính ngân sách của chế độ mới. Nha Ngân khố Quốc gia đã hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao là công cụ quan trọng của Chính quyền cách mạng non trẻ trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và kiến quốc.

image

Bia Nha ngân khố quốc gia tại Tuyên Quang

2. Cơ quan quản lý quỹ ngân sách nhà nước thuộc Ngân hàng Nhà nước (giai đoạn 1951-1989)

Trước yêu cầu và tình hình mới của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, ngày 20/7/1951, Thủ tướng Chính phủ đã có Nghị định số 107/TTg lập ra KBNN (gọi tắt là Kho bạc) đặt trong Ngân hàng Quốc gia Việt Nam và thuộc quyền quản trị của Bộ Tài chính. KBNN tiếp tục thực hiện nhiệm vụ thu, chi quỹ NSNN, bảo đảm các nhu cầu chi của bộ máy nhà nước, phục vụ công cuộc kháng chiến, xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và đấu tranh giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Từ năm 1964, theo Quyết định số 113/CP ngày 27/7/1964 của Hội đồng Chính phủ, các hoạt động của KBNN do Vụ Quản lý quỹ NSNN thuộc Ngân hàng Nhà nước đảm nhiệm.

3. Quá trình chuẩn bị thành lập hệ thống KBNN trực thuộc Bộ Tài chính (giai đoạn 1989 - 1990)

Từ Đại hội VI, Đảng Cộng sản Việt Nam đã khởi xướng và lãnh đạo công cuộc “Đổi mới” một cách sâu sắc và toàn diện. Cơ chế quản lý tài chính và tiền tệ đã có những thay đổi căn bản, phù hợp với cơ chế quản lý kinh tế mới. Việc tách bạch hoạt động kinh doanh tiền tệ với nhiệm vụ quản lý nhà nước về tài chính – ngân sách là đòi hỏi tất yếu khách quan. Để nắm chắc tình hình thu, chi và sử dụng có hiệu quả quỹ NSNN, việc chuyển chức năng quản lý quỹ NSNN về Bộ Tài chính là cần thiết.

Trên cơ sở kinh nghiệm đã tích lũy trong những năm hoạt động của Nha Ngân khố Quốc gia và những kiến thức đã tiếp thu được qua khảo sát mô hình hoạt động của Kho bạc các nước và kết quả thí điểm mô hình KBNN ở hai tỉnh Kiên Giang và An Giang, Bộ Tài chính đã trình và được Hội đồng Bộ trưởng phê duyệt Đề án thành lập hệ thống KBNN trực thuộc Bộ Tài chính.

Ngày 04/01/1990, Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng đã ký Quyết định số 07/HĐBT thành lập hệ thống KBNN trực thuộc Bộ Tài chính với chức năng chính là giúp Bộ trưởng Bộ Tài chính thực hiện quản lý nhà nước về quỹ NSNN.

Sau ba tháng chuẩn bị chu đáo, với sự chỉ đạo chặt chẽ và trực tiếp của Bộ Tài chính, sự phối hợp tích cực của Ngân hàng Nhà nước, đặc biệt là sự quan tâm, giúp đỡ, tạo mọi điều kiện thuận lợi của Ủy ban nhân dân các cấp và các ngành có liên quan, KBNN đã hoàn thành tổ chức theo hệ thống dọc từ Trung ương đến địa phương (gồm 03 cấp) và chính thức đi vào hoạt động trên phạm vi cả nước từ ngày 01/4/1990.

II. QUÁ TRÌNH XÂY DỰNG, CỦNG CỐ, HOÀN THIỆN VÀ HIỆN ĐẠI HÓA HỆ THỐNG KBNN (GIAI ĐOẠN TỪ NĂM 1990 ĐẾN NAY)

1. Chức năng, nhiệm vụ của KBNN không ngừng được hoàn thiện

Theo Quyết định số 07/HĐBT ngày 04/01/1990 của Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng, hệ thống KBNN thực hiện 03 chức năng chính là: quản lý quỹ NSNN, huy động vốn và tổ chức công tác kế toán NSNN. Trong giai đoạn đầu hoạt động, với phương châm củng cố, ổn định tạo nền tảng cho xây dựng và phát triển; các chức năng, nhiệm vụ của hệ thống KBNN đã từng bước được khẳng định và mở rộng tạo nền tảng cho giai đoạn xây dựng và phát triển sau này.

image

Trụ sở KBNN giai đoạn 1990 – 2008 tại 15 Trần Khánh Dư – Hà Nội

Cùng với sự đổi mới và cải cách nền kinh tế đồng thời để tạo môi trường pháp lý cho KBNN hoạt động, ngày 05/4/1995 Chính phủ đã ban hành Nghị định số 25/CP thay thế Quyết định số 07/HĐBT của Hội đồng Bộ trưởng nhằm tiếp tục hoàn thiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy của hệ thống KBNN. Trong giai đoạn này, chức năng, nhiệm vụ quản lý quỹ NSNN của hệ thống KBNN có sự phát triển mang tính bước ngoặt về chất cùng với sự ra đời của Luật NSNN có hiệu lực từ năm ngân sách 1996. Đến năm 2000, KBNN tiếp tục được giao thêm nhiệm vụ quản lý cấp phát và thanh toán toàn bộ nguồn vốn đầu tư xây dựng cơ bản theo Nghị định số 145/1999/NĐ-CP ngày 20/9/1999 về việc tổ chức lại Tổng cục Đầu tư và Phát triển.

Để thực hiện chủ trương của Đảng và Nhà nước về cải cách bộ máy hành chính nhà nước, ngày 13/11/2003, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 235/2003/QĐ-TTg quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy của KBNN trực thuộc Bộ Tài chính thay thế Nghị định số 25/CP. Theo đó, hệ thống KBNN có các chức năng cơ bản là: quản lý quỹ NSNN và các quỹ tài chính nhà nước; huy động vốn cho NSNN và cho đầu tư phát triển. Quyết định số 235/2003/QĐ-TTg một lần nữa khẳng định hệ thống KBNN được tổ chức tập trung, thống nhất thành hệ thống dọc từ Trung ương đến địa phương, theo đơn vị hành chính phù hợp với yêu cầu của bộ máy hành chính nhà nước trong tình hình mới.

Sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập kinh tế quốc tế đặt ra cho ngành Tài chính nói chung và hệ thống KBNN nói riêng những nhiệm vụ rất nặng nề, đòi hỏi hệ thống KBNN phải tiếp tục đổi mới và hiện đại hóa để đáp ứng các yêu cầu đó. Ngày 21/8/2007, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 138/2007/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược phát triển KBNN đến năm 2020, với 04 trụ cột phát triển là: cải cách về thể chế, chính sách; hoàn thiện tổ chức bộ máy; hiện đại hóa công nghệ và phát triển nguồn nhân lực nhằm mục tiêu xây dựng KBNN hiện đại, hoạt động an toàn, hiệu quả và phát triển ổn định, vững chắc. Cùng với đó, KBNN được giao thực hiện 02 chức năng mới là Tổng kế toán nhà nước và Quản lý ngân quỹ nhà nước tại Quyết định số 108/2009/QĐ-TTg ngày 26/8/2009 của Thủ tướng Chính phủ. Bắt đầu từ giai đoạn này, hoạt động của KBNN bước vào một thời kỳ mới - thời kỳ cải cách và hiện đại hóa hệ thống.

Nhằm thực hiện thành công Chiến lược phát triển KBNN với mục tiêu đến năm 2020 hình thành Kho bạc điện tử, KBNN đã báo cáo Bộ Tài chính trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 26/2015/ QĐ-TTg ngày 08/7/2015 quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Kho bạc Nhà nước trực thuộc Bộ Tài chính thay thế Quyết định số 108/2009/QĐ-TTg ngày 26/8/2009. Theo đó chức năng, nhiệm vụ của hệ thống KBNN được bổ sung, hoàn thiện với các nội dung chủ yếu sau:

- Về chức năng: KBNN là cơ quan trực thuộc Bộ Tài chính, thực hiện chức năng tham mưu, giúp Bộ trưởng Bộ Tài chính quản lý nhà nước về quỹ NSNN, các quỹ tài chính nhà nước; quản lý ngân quỹ nhà nước; tổng kế toán nhà nước; thực hiện việc huy động vốn cho NSNN và cho đầu tư phát triển thông qua hình thức phát hành trái phiếu Chính phủ theo quy định của pháp luật.

- Về nhiệm vụ: Căn cứ vào tính chất của các nhiệm vụ có thể chia các nhiệm vụ của KBNN thành 2 nhóm:

+ Nhóm nhiệm vụ có tính chất quản lý nhà nước: Quản lý quỹ NSNN, quỹ tài chính nhà nước được giao bao gồm tập trung các nguồn thu vào NSNN, quản lý kiểm soát các khoản chi của NSNN; quản lý quỹ ngoại tệ tập trung của Nhà nước; quản lý các quỹ tài chính của Nhà nước, tài sản tạm thu tạm giữ, tài sản quý hiếm...; tổ chức hạch toán kế toán NSNN, kế toán các quỹ và tài sản của Nhà nước, kế toán các khoản vay nợ, viện trợ, trả nợ của Chính phủ và chính quyền địa phương theo quy định của pháp luật; tổ chức lập báo cáo tài chính nhà nước trên phạm vi toàn quốc và từng địa phương; tổ chức thực hiện thanh tra chuyên ngành.

+ Nhóm nhiệm vụ có tính chất cung cấp dịch vụ công và có tính chất như một ngân hàng của Chính phủ gồm: Mở tài khoản, kiểm soát tài khoản tiền gửi, tổ chức thanh toán chuyển tiền, thu chi tiền mặt, quản lý kho quỹ, tổ chức huy động vốn thông qua phát hành và thanh toán trái phiếu Chính phủ phục vụ cho cân đối ngân sách và cho đầu tư phát triển.

image

Trụ sở KBNN từ 2008 đến nay tại 32 Cát Linh – Hà Nội - ảnh mô hình

2. Quy mô hoạt động, cơ cấu tổ chức và nguồn nhân lực của hệ thống KBNN

Trong giai đoạn đầu khi tái thành lập hệ thống KBNN (năm 1990), hệ thống KBNN gồm có: Cục KBNN, 44 Chi cục KBNN tỉnh, thành phố và 502 Chi nhánh KBNN quận, huyện, thị xã trong cả nước với tổng số 7.420 công chức. Trong đó, gần 40% công chức có trình độ sơ cấp hoặc chưa qua đào tạo; công chức có trình độ đại học và trên đại học chỉ có 1.239 người, chiếm gần 16,7%; công chức có trình độ cao đẳng và trung cấp là 3.213 người, chiếm 43,3%. Doanh số hoạt động của hệ thống KBNN và số lượng tài khoản giao dịch còn hết sức khiêm tốn (36.000 tỷ đồng và 82.000 tài khoản).

Đến nay, KBNN thực hiện quản lý quỹ NSNN của ngân sách Trung ương; ngân sách 63 tỉnh, thành phố; 661 quận, huyện và 10.500 xã, phường, thị trấn. Hệ thống KBNN đang quản lý trên 800.000 tài khoản của hơn 540.000 đơn vị với doanh số hoạt động của KBNN hàng năm lên tới trên 9 triệu tỷ đồng. Hiện nay, toàn hệ thống KBNN có 14.300 công chức. Trong đó, công chức có trình độ đại học là 10.218 người, chiếm hơn 70%; trên đại học là 565 người, chiếm 4%.

3. Các tổ chức Đảng, đoàn thể trong hệ thống KBNN

Đến nay, 100% đơn vị KBNN trong toàn hệ thống thành lập các Chi bộ, Đảng bộ với 9.370 đảng viên, chiếm hơn 65% số công chức toàn hệ thống. Tổ chức Công đoàn được thành lập, hoạt động tại 100% các đơn vị KBNN, thu hút hơn 1,4 vạn đoàn viên tham gia. Ngoài ra, tại các đơn vị KBNN trong hệ thống còn có tổ chức đoàn thể như: Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Hội Cựu chiến binh, Ban Nữ công. Hoạt động tích cực, có hiệu quả của các tổ chức Đảng, đoàn thể quần chúng đã góp phần quán triệt đầy đủ các chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước đến từng công chức, bồi dưỡng lý tưởng, mục tiêu và tạo động lực phấn đấu hoàn thành thắng lợi các nhiệm vụ chính trị, chuyên môn của toàn hệ thống KBNN.

Trải qua quá trình hình thành và phát triển (từ năm 1946 tới nay) với những thăng trầm và dấu ấn đáng ghi nhớ, KBNN luôn có những đóng góp quan trọng vào sự nghiệp xây dựng, phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc, khẳng định là một trong những trụ cột của nền tài chính quốc gia./.






Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Đăng nhập