image banner
10 sự kiện nổi bật của hệ thống Kho bạc Nhà nước năm 2016
Lượt xem: 910
Hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ huy động vốn cho NSNN theo Nghị quyết của Quốc hội giao, kết quả đã đạt được trên cả 5 tiêu chí về khối lượng huy động, kỳ hạn trái phiếu, lãi suất trái phiếu, phương thức và sản phẩm phát hành, cơ cấu nhà đầu tư.

1. Hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ huy động vốn cho NSNN theo Nghị quyết của Quốc hội giao, kết quả đã đạt được trên cả 5 tiêu chí về khối lượng huy động, kỳ hạn trái phiếu, lãi suất trái phiếu, phương thức và sản phẩm phát hành, cơ cấu nhà đầu tư.

Với sự nỗ lực cố gắng, trong năm 2016 KBNN đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ huy động vốn cho NSNN thông qua việc phát hành trái phiếu Chính phủ (TPCP) theo Nghị quyết của Quốc hội giao cho Bộ Tài chính. Kết quả huy động vốn đã đạt được trên cả 5 tiêu chí, cụ thể:

image

Toàn cảnh Hội nghị thành viên thị trường TPCP quý II năm 2016

Về khối lượng huy động: Mặc dù kế hoạch huy động vốn Bộ Tài chính giao cho KBNN khá cao so với năm 2015 (281.700 tỷ đồng), trong điều kiện kinh tế xã hội có nhiều khó khăn. Tính đến 8/12/2016, tổng khối lượng huy động là 281.294,1 tỷ đồng, đạt 99,86% kế hoạch năm 2016.

Về kỳ hạn: Khối lượng TPCP có thời hạn từ 3 năm đến dưới 5 năm chỉ chiếm 8,94% (Quốc hội cho phép tối đa 30%); TPCP chủ yếu có kỳ hạn từ 5 năm trở lên (trên 90%), trong đó tập trung phát hành kỳ hạn dài hạn (15 - 20 - 30 năm). Kỳ hạn bình quân của trái phiếu phát hành năm 2016 đạt mức 8,74 năm (tăng 1,76 năm so với năm 2015), kéo dài kỳ hạn còn lại bình quân cả danh mục trái phiếu lên mức 5,74 năm (so với thời điểm 31/12/2015 là 4,44 năm), góp phần tích cực trong việc tái cơ cấu danh mục nợ Chính phủ, giảm áp lực trả nợ của ngân sách trong ngắn hạn.

Về lãi suất: Lãi suất TPCP điều hành linh hoạt, phù hợp với diễn biến thị trường tài chính tiền tệ, mức lãi suất TPCP phát hành bình quân năm 2016 là 6,49%/năm.

Về phương thức và sản phẩm phát hành: Năm 2016, KBNN thực hiện toàn bộ việc phát hành TPCP theo phương thức đấu thầu qua Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội đảm bảo minh bạch, hiệu quả, tiết kiệm.

Về cơ cấu nhà đầu tư: Cơ cấu nhà đầu tư trên thị trường được cải thiện theo đúng mục tiêu đề ra tại Lộ trình phát triển thị trường TPCP đến năm 2020, trong đó tỷ trọng nhà đầu tư nước ngoài tăng lên so với năm 2015, từ 8,35% (năm 2015) lên 12,27% (năm 2016); tỷ trọng nhà đầu tư là các công ty bảo hiểm, quỹ đầu tư, công ty tài chính tăng so với năm 2015, từ 14,62% (năm 2015) lên 20,02% (năm 2016), qua đó giảm sự phụ thuộc của thị trường TPCP vào khối các NHTM.  

2. Tạo khuôn khổ pháp lý hoàn chỉnh và đồng bộ để thực hiện tốt công tác quản lý Ngân quỹ nhà nước theo định hướng Chiến lược phát triển Kho bạc Nhà nước.

Ngày 05/4/2016, Chính phủ ban hành Nghị định số 24/2016/NĐ-CP quy định chế độ quản lý ngân quỹ nhà nước, đây là bước hoàn thiện và đồng bộ khuôn khổ pháp lý để điều chỉnh tổng thể các hoạt động quản lý NQNN, đảm bảo an toàn và có hiệu quả; đồng thời, gắn kết chặt chẽ giữa quản lý NQNN với quản lý NSNN, quản lý nợ, tăng cường tính minh bạch, nâng cao hiệu quả huy động, quản lý, sử dụng các nguồn lực tài chính của Nhà nước và tăng cường khả năng hội nhập quốc tế về tài chính công. Bên cạnh đó, Nghị định cũng phân định rõ trách nhiệm, quyền hạn của các đơn vị có liên quan trong công tác quản lý NQNN; trong đó, khẳng định rõ chức năng, nhiệm vụ của KBNN trong việc quản lý NQNN; thúc đẩy việc xây dựng và hình thành hệ thống các công cụ phục vụ cho hoạt động quản lý NQNN, bao gồm tài khoản thanh toán tập trung của KBNN tại ngân hàng và hệ thống dự báo luồng tiền để dự báo thu, chi NQNN theo các kỳ; chủ động hơn trong quá trình quản lý, điều hành NSNN và NQNN.

3. Triển khai thực hiện thành công nhiệm vụ quyết toán NSNN do Bộ Tài chính giao KBNN thực hiện.

Đây là năm đầu tiên KBNN được giao nhiệm vụ tổng hợp, lập Báo cáo quyết toán NSNN năm 2014. Tuy nhiên, với đội ngũ công chức có chuyên môn vững, luôn cố gắng, tận tâm với công việc, KBNN đã phối hợp chặt chẽ với các đơn vị có liên quan để báo cáo, giải trình kịp thời, chính xác, có đủ các cơ sở, căn cứ về tăng bội chi NSNN, báo cáo chi tiết theo dự án số giải ngân vốn nước ngoài tăng so với dự toán…; đáp ứng yêu cầu của các cơ quan có thẩm quyền, được Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội nhất trí trình Ủy ban thường vụ Quốc hội, trình Quốc hội và được Quốc hội đồng ý phê chuẩn đúng thời hạn. Lần đầu tiên Báo cáo quyết toán NSNN được trình Quốc hội biểu quyết đồng thời với điều chỉnh bổ sung dự toán chi NSNN. Đây là nỗ lực, cố gắng của đội ngũ công chức KBNN và là một thành công rất đáng ghi nhận của KBNN trong việc thực hiện nhiệm vụ mới đó là công tác tổng hợp, lập Báo cáo quyết toán NSNN.

image

Ông Nguyễn Hồng Hà – Tổng Giám đốc KBNN, Phó Trưởng ban Thường trực Ban soạn thảo Nghị định chủ trì và điều hành Hội thảo dự thảo nghị định về BCTCNN

4. Cung cấp dịch vụ công trực tuyến KBNN trên mạng máy tính, góp phần cải cách thủ tục hành chính trong hoạt động KBNN nói riêng và ngành tài chính nói chung.

Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và Bộ Tài chính, trong năm 2016, hệ thống KBNN đã hoàn thành việc triển khai thí điểm thủ tục giao dịch điện tử đối với dịch vụ công trên cổng thông tin KBNN tại 5 KBNN tỉnh, thành phố lớn: KBNN Hải Phòng, KBNN Hà Nội, KBNN Đà Nẵng, KBNN Cần Thơ và KBNN Thành phố Hồ Chí Minh. Đến tháng 04/2016 đã hoàn thành việc triển khai thí điểm và hiện nay KBNN đang báo cáo Bộ về kế hoạch triển khai mở rộng trong thời gian tiếp theo. Việc KBNN cung cấp dịch vụ công trực tuyến phục vụ các đơn vị sử dụng ngân sách, chủ đầu tư trên cổng thông tin điện tử, nhằm cải cách thủ tục hành chính hiện đại hóa công tác kiểm soát chi tạo điều kiện thuận lợi tối đa lợi ích cho các đơn vị sử dụng ngân sách, chủ đầu tư. Về phía các đơn vị kiểm soát chi của KBNN, dịch vụ công góp phần hiện đại hóa công tác kiểm soát chi theo hướng hồ sơ, chứng từ của đơn vị thực hiện kiểm soát chi qua KBNN sẽ được gửi trên dịch vụ công, từ đó giao diện vào hệ thống TABMIS bảo đảm minh bạch về hồ sơ, chứng từ, nội dung kiểm soát, là bước đi đầu tiên tiến tới thực hiện quy trình kiểm soát chi điện tử theo Chiến lược phát triển KBNN. Qua dịch vụ công, Lãnh đạo KBNN các cấp có thể kiểm tra được tình trạng xử lý các hồ sơ kiểm soát chi qua các báo cáo thống kê trên dịch vụ công; từ đó, làm tăng tính trách nhiệm của cán bộ kiểm soát chi trong quá trình thực thi nhiệm vụ.

5. Hoàn thành kế hoạch, mục tiêu Chiến lược phát triển KBNN giai đoạn 2011 – 2015, báo cáo Thủ tướng Chính phủ phê duyệt định hướng kế hoạch triển khai giai đoạn 2016 – 2020.

Với mục tiêu tổng quát đã đề ra trong Chiến lược phát triển KBNN đến năm 2020 là: “Xây dựng KBNN hiện đại, hoạt động an toàn, hiệu quả và phát triển ổn định vững chắc trên cơ sở cải cách thể chế, chính sách, hoàn thiện tổ chức bộ máy, gắn với hiện đại hoá công nghệ và phát triển nguồn nhân lực để thực hiện tốt các chức năng: quản lý quỹ NSNN và các quỹ tài chính nhà nước; quản lý ngân quỹ và quản lý nợ Chính phủ; tổng kế toán nhà nước nhằm tăng cường năng lực, hiệu quả và tính công khai, minh bạch trong quản lý các nguồn lực tài chính của Nhà nước. Đến năm 2020, các hoạt động KBNN được thực hiện trên nền tảng công nghệ thông tin hiện đại và hình thành Kho bạc điện tử”, qua hơn 8 năm triển khai, KBNN đã hoàn thành 22 đề án, cơ bản đạt được những thành tựu quan trọng trên các lĩnh vực: quản lý quỹ NSNN và các quỹ tài chính nhà nước; quản lý ngân quỹ và nợ Chính phủ; công tác kế toán nhà nước; hệ thống thanh toán; thanh tra, kiểm tra, kiểm toán nội bộ; công nghệ thông tin; tổ chức bộ máy và phát triển nguồn nhân lực; hợp tác quốc tế. Đây là những thành tựu quan trọng ghi nhận sự nỗ lực của cả hệ thống KBNN dưới sự chỉ đạo chặt chẽ của Bộ Tài chính; là tiền đề để KBNN tiếp tục trình Bộ Tài chính trình Chính phủ phê duyệt kế hoạch triển khai các nội dung còn lại theo mục tiêu và lộ trình đã đặt ra.

6. Triển khai quyết liệt có hiệu quả các giải pháp của KBNN đã góp phần đẩy nhanh được tiến độ giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công năm 2016 theo Nghị quyết số 60/NQ-CP ngày 08/7/2016 của Chính phủ.

Sau khi Nghị quyết số 60/NQ-CP ngày 08/7/2016 của Chính phủ được ban hành, chỉ trong 10 ngày hệ thống KBNN đã ban hành Công văn số 3171/KBNN-KSC ngày 18/7/2016 về việc hướng dẫn một số nội dung về công tác kiểm soát chi theo Nghị quyết 60/NQ-CP của Chính phủ, Chỉ thị số 22/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ; theo đó KBNN đã đề ra một số biện pháp cụ thể nhằm chỉ đạo các đơn vị chủ động rà soát, nắm vững tình hình giải ngân của từng dự án; phối hợp chặt chẽ với cơ quan tài chính các cấp, các cơ quan ban ngành và các chủ đầu tư tìm hiểu nguyên nhân vướng mắc, nhất là những dự án chưa giải ngân, lệ giải ngân thấp (dưới 30%), dự án còn vướng mắc trong giải phóng mặt bằng để tham mưu, báo cáo các cấp có thẩm quyền xử lý kịp thời. Hàng tháng, KBNN các cấp công khai tại trụ sở về số liệu giải ngân vốn đầu tư XDCB thuộc kế hoạch năm 2016. Phối hợp với các đơn vị có liên quan tổ chức tọa đàm với chủ đầu tư để trao đổi, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình giải ngân vốn đầu tư. Chỉ đạo cán bộ kiểm soát chi nâng cao tinh thần trách nhiệm trong thực hiện nhiệm vụ, thực hiện kiểm soát hồ sơ ngay khi chủ đầu tư, ban quản lý dự án gửi đến theo quy định; tuyệt đối không được để tồn đọng bất kỳ hồ sơ thanh toán nào tại KBNN mà không rõ lý do; đảm bảo tuân thủ thời gian kiểm soát thanh toán tối đa không quá 04 ngày làm việc cho các dự án có đủ điều kiện giải ngân. Với sự chỉ đạo quyết liệt cùng với các giải pháp phù hợp, công tác giải ngân vốn đầu tư công thực sự có những chuyển biến rất tích cực và khối lượng vốn được giải ngân đã tăng mạnh qua các tháng, phấn đấu hoàn thành kế hoạch giải ngân vốn đầu tư năm 2016 đối với các dự án đã được duyệt.

image

Phó Tổng Giám đốc KBNN - Nguyễn Việt Hồng phát biểu tại buổi Tọa đàm giải ngân vốn đầu tư XDCB năm 2016

7. Tổ chức triển khai thành công nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành và xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực KBNN trong toàn hệ thống KBNN.

Năm 2016 hệ thống KBNN bắt đầu tổ chức thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành KBNN, đây là một nhiệm vụ mới được Chính phủ, Bộ Tài chính giao KBNN thực hiện. Thông qua công tác thanh tra chuyên ngành KBNN đã tạo được chuyển biến đối với các đơn vị sử dụng NSNN về việc chấp hành các quy định của pháp luật trong quản lý và sử dụng NSNN, nâng cao ý thức chấp hành các quy định của pháp luật về chi NSNN, ngăn ngừa tiêu cực, phòng chống tham nhũng; Qua công tác thanh tra chuyên ngành KBNN đã phát hiện, xử lý theo thẩm quyền, kiến nghị cơ quan nhà nước có thẩm quyền xử lý sai phạm, thu hồi tiền, tài sản cho nhà nước; đồng thời kiến nghị với cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung nhiều cơ chế, chính sách, pháp luật nhằm khắc phục những khuyết điểm, sơ hở, rủi ro trong công tác quản lý, tăng cường trật tự, kỷ cương góp phần nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng NSNN. Sau 01 năm thực hiện nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành, đội ngũ công chức làm nhiệm vụ thanh tra – kiểm tra của hệ thống KBNN đã trưởng thành vượt bậc, khẳng định được bản lĩnh chính trị, phẩm chất đạo đức, trình độ chuyên môn nghiệp vụ, góp phần vào việc hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ chính trị của hệ thống KBNN năm 2016.

Tongket4

Tổng Giám đốc KBNN Nguyễn Hồng Hà phát biểu và chỉ đạo Hội nghị tổng kết công tác năm 2016 và triển khai nhiệm vụ năm 2016 hệ thống KBNN

8. Hoàn thành việc xây dựng khuôn khổ pháp lý về Báo cáo tài chính nhà nước nhằm thực hiện chức năng Tổng kế toán nhà nước theo định hướng Chiến lược phát triển KBNN.

KBNN được Bộ Tài chính giao xây dựng nội dung dự thảo Nghị định của Chính phủ về Báo cáo tài chính nhà nước (TCNN), việc ban hành Nghị định về Báo cáo TCNN của Chính phủ sẽ đặt ra các cơ sở pháp lý quan trọng, quy định chi tiết về nội dung; việc tổ chức thực hiện lập, công khai Báo cáo TCNN; trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị, địa phương trong việc cung cấp thông tin phục vụ việc lập Báo cáo TCNN, phù hợp với thông lệ quốc tế, đảm bảo cung cấp thông tin đầy đủ, toàn diện về tình hình TCNN, kết quả hoạt động TCNN và các luồng tiền từ hoạt động TCNN. Báo cáo TCNN là một trong các công cụ phục vụ cho cho các nhà lãnh đạo, các nhà quản lý, điều hành trong việc phân tích, đánh giá hiện trạng và quản lý toàn bộ các nguồn lực, nghĩa vụ và tình hình sử dụng các nguồn lực của nhà nước. Từ đó, có cơ sở đề ra các quyết sách để đảm bảo các tài sản và nguồn lực của nhà nước được đầu tư, phân bổ và sử dụng một cách hợp lý, cân đối và hiệu quả nhất để phục vụ cho mọi mặt đời sống kinh tế - xã hội của đất nước; quản lý chặt chẽ việc vay nợ, giảm thiểu áp lực chi tiêu và những rủi ro tài chính trong tương lai, từ đó duy trì tính ổn định và bền vững của nhà nước. Báo cáo TCNN giúp người dân thấy được sự đóng góp của mình đối với nghĩa vụ với Nhà nước thông qua việc nộp thuế; là công cụ quan trọng để đông đảo nhân dân có thể kiểm tra, giám sát hoạt động tài chính nhà nước. Hiện nay KBNN đang hoàn chỉnh các bước cuối cùng theo kế hoạch và sẽ trình Bộ Tài chính trình Chính phủ trong tháng 12/2016.

9. Mở rộng mối quan hệ và đẩy mạnh các hoạt động hợp tác quốc tế với Bộ Tài chính Lào, Cuba, Hiệp hội Kho bạc quốc tế và các tổ chức quốc tế khác trong lĩnh vực KBNN.

Năm 2016 KBNN tiếp tục thực hiện kế hoạch phát triển hợp tác quốc tế, nhằm tăng cường hội nhập quốc tế, xác định vị thế của KBNN Việt Nam trong các diễn đàn, cộng đồng khu vực và quốc tế về quản lý tài chính công, quản lý quỹ ngân sách nhà nước, hoạt động nghiệp vụ kho bạc. Công tác đối ngoại, hợp tác quốc tế KBNN đã phát triển theo cả chiều rộng và chiều sâu với nhiều dấu ấn ghi nhận sự chuyển biến về chất lượng và hình thức, từ chủ yếu học hỏi kinh nghiệm quốc tế với các đối tác truyền thống, chuyển sang mở rộng đối tác mới và thực hiện chia sẻ kinh nghiệm với các đối tác khác. Cụ thể KBNN đã tiếp tục mở rộng mối quan hệ hợp tác với Cuba, các nước trong Mạng lưới Quản lý chi tiêu công châu Á (PEMNA), Hiệp hội Kho bạc quốc tế. Cùng với đó, KBNN cũng tiếp tục duy trì quan hệ với đối tác nước ngoài và các tổ chức quốc tế trong lĩnh vực KBNN.

10. Tổ chức thành công Đoàn công tác KBNN thăm và làm việc tại quần đảo Trường Sa và Nhà giàn DK1, góp phần nâng cao nhận thức của cán bộ, công chức trong toàn hệ thống KBNN về bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc.

Tháng 5 năm 2016, Đoàn công tác số 10 với sự tham gia của 100 đại biểu ưu tú hệ thống KBNN đã tổ chức đến thăm quân và dân trên các đảo thuộc quần đảo Trường Sa và Nhà giàn DK1. Chuyến đi đã đem lại sự trải nghiệm sâu sắc cho các thành viên trong đoàn công tác về chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc; về sức sống mãnh liệt vượt qua mọi hiểm nguy, gian khó, vững vàng nơi đầu sóng ngọn gió của quân và dân trên quần đảo, đồng thời mang đến hơi ấm và tình cảm của nhân dân cả nước tới quân và dân trên quần đảo Trường Sa, qua đó đã giáo dục truyền thống yêu nước đối với toàn thể đội ngũ công chức hệ thống KBNN, đồng thời động viên, chia sẻ những khó khăn, vất vả của quân và dân trên quần đảo./.      


Tin khác
1 2 3 4 5  ... 





Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Đăng nhập