image banner
Dịch vụ công trực tuyến Kho bạc Nhà nước: Xu thế tất yếu, cải cách thủ tục hành chính nâng cao chất lượng phục vụ
Lượt xem: 1405
Trên cơ sở, mục tiêu chiến lược phát triển Kho Bạc Nhà Nước đến năm 2020 hình thành Kho Bạc điện tử trên nền tảng công nghệ thông tin hiện đại, cung cấp ngày càng nhiều các dịch vụ công trực tuyến cho các tổ chức, cá nhân có quan hệ giao dịch với KBNN.

Trên cơ sở, mục tiêu chiến lược phát triển Kho Bạc Nhà Nước đến năm 2020 hình thành Kho Bạc điện tử trên nền tảng công nghệ thông tin hiện đại, cung cấp ngày càng nhiều các dịch vụ công trực tuyến cho các tổ chức, cá nhân có quan hệ giao dịch với KBNN.

Việc hình thành và phát triển đúng theo lộ trình hình thành Kho Bạc điện tử phụ thuộc nhiều vào sự tham gia, quan tâm ủng hộ của đa số các tổ chức, cá nhân có quan hệ giao dịch với KBNN. Chương trình giao diện thân thiện, dễ sử dụng, hiệu năng xử lý nhanh và hiệu quả là những yếu tố quan trọng tác động tích cực đến các tổ chức, cá nhân có quan hệ giao dịch với KBNN hướng tới việc sử dụng ngày càng nhiều các dịch vụ công trực tuyến KBNN. Qua gần 3 năm (3/2016 - 1/2018) triển khai thí điểm tại 5 KBNN (Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẳng, Cần Thơ, Thành phố Hồ chí Minh), hệ thống dịch vụ công trực tuyến KBNN được đánh giá là họat động thông suốt, đảm bảo an toàn và dễ dàng cho các đơn vị tham gia. Đến nay dịch vụ công trực tuyến của KBNN đã được triển khai trên diện rộng và nhận được sự ủng hộ, tham gia tích cực của nhiều tổ chức, đơn vị, cá nhân có quan hệ giao dịch với KBNN mang lại nhiều lợi ích thiết thực.

image

Giao diện Dịch vụ công trực tuyến KBNN

Lợi ích của việc triển khai diện rộng DVC trực tuyến của KBNN đáp ứng được mục tiêu, chiến lược đã đề ra, phù hợp với mục tiêu của Chương trình quốc gia về ứng dụng CNTT trong hoạt động cơ quan nhà nước giai đoạn 2011-2015 theo Quyết định số 1605 ngày 27/08/2010 của Thủ tướng Chính phủ và nghị quyết số 36A ngày 14/10/2015 của Chính phủ về Chính phủ điện tử. Tháng 11/2015, Bộ Tài chính đã mở cổng thông tin điện tử KBNN tích hợp với cổng thông tin điện tử Bộ Tài chính để triển khai các dịch vụ công trực tuyến nhằm cải cách thủ tục hành chính, tăng cường hiệu lực, hiệu quả và tính công khai, minh bạch hoạt động KBNN. Và tháng 12/2017, để chuẩn bị triển khai diện rộng dịch vụ công trực tuyến KBNN, Bộ Tài chính đã ban hành thông tư 133/2017 quy định rõ hơn về các giao dịch điện tử trong hoạt động nghiệp vụ KBNN (thay thế thông tư 209 ngày 20/12/2010 và quyết định 2704 ngày 17/12/2015 của Bộ Tài chính áp dụng trong thời gian thí điểm).

DVC là xu thế tất yếu của tiến trình cải cách thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi và giảm thời gian đi lại cho các đơn vị, giảm chi phí hoạt động, hạn chế việc giả mạo chữ ký, giả mạo con dấu của đơn vị do Kế toán trưởng và Thủ trưởng đơn vị ký duyệt bằng chữ ký số; thông tin thanh toán được bảo mật. Đồng thời trên DVC cung cấp các thông tin về thời gian, quá trình tiếp nhận hồ sơ, kiểm soát thanh toán thông qua các trạng thái như: “KBNN từ chối hoặc tiếp nhận hồ sơ”; “KBNN đang xử lý hồ sơ”; “KBNN đã thanh toán hoặc từ chối Thanh toán”; “KBNN từ chối hoặc tiếp nhận hồ sơ” điều đó đã góp phần tăng tính minh bạch trong việc kiểm soát hồ sơ thanh toán của KBNN và qua đó các đơn vị chủ động biết được tình trạng và kết quả xử lý hồ sơ thanh toán của đơn vị mình. Đồng thời, thông qua DVC điện tử giúp hệ thống KBNN đảm bảo được sự minh bạch về hồ sơ, chứng từ, nội dung kiểm soát, thực hiện quy trình kiểm soát chi điện tử. Qua DVC, Lãnh đạo KBNN các cấp có thể kiểm tra được tình trạng xử lý các hồ sơ kiểm soát chi qua các báo cáo thống kê trên DVC; từ đó, làm tăng tính trách nhiệm của cán bộ kiểm soát chi trong quá trình thực thi nhiệm vụ,

Bên cạnh đó, DVC trực tuyến hỗ trợ trong công tác quản lý, cũng như tạo lập cơ sở dữ liệu về đối tượng được áp dụng. DVC trực tuyến của KBNN triển khai diện rộng vào đầu tháng 2/2018 tập trung cung cấp dịch vụ công trực tuyến về các giao dịch chi Ngân Sách Nhà Nước (NSNN), gồm: thông báo tham gia hệ thống dịch vụ công trực tuyến của KBNN; đăng ký sử dụng bổ sung tài khoản tại KBNN và thay đổi mẫu dấu, mẫu chữ ký; kê khai, giao nhận hồ sơ và trả kết quả kiểm soát chi; đăng ký rút tiền mặt với KBNN. Với các giao dịch điện tử trong lĩnh vực chi NSNN, đối tượng áp dụng là các đơn vị sử dụng ngân sách, chủ đầu tư có mở tài khoản giao dịch tại KBNN tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, KBNN quận, thị xã, thành phố trực thuộc tỉnh. Qua đó, giúp hệ thống DVC trực tuyến của KBNN có thể tạo lập và quản lý cơ sở dữ liệu về đối tượng áp dụng thông qua việc khai thác và sử dụng các dữ liệu về tài khoản, mã số đơn vị sử dụng ngân sách, các mã số về chi NSNN... trên hệ thống TABMIS.

Mặt khác, hệ thống DVC trực tuyến KBNN không tính và thu phí mọi dịch vụ giao dịch chi NSNN đối với các đơn vị sử dụng ngân sách, chủ đầu tư. Hiện nay, KBNN không tính và thu phí đối với các giao dịch chi NSNN nên không phát sinh khâu thanh toán trực tuyến các chi phí dịch vụ trong đợt triển khai diện rộng tháng 2/2018. Tuy không phải thanh toán trực tuyến các chi phí dịch vụ nhưng trong thủ tục giao dịch điện tử các yêu cầu thanh toán, KBNN vẫn phải thực hiện thanh toán chuyển tiền trực tuyến các khoản chi theo yêu cầu của các đơn vị. Tuy nhiên, nhờ vào nền tảng ứng dụng CNTT sẵn có cho các hệ thống thanh toán chuyển tiền điện tử (thanh toán điện tử liên kho bạc, thanh toán song phương điện tử, thanh toán điện tử liên ngân hàng...) và hệ thống kế toán nhà nước áp dụng cho TABMIS, KBNN có thể đảm bảo thanh toán nhanh chóng, chính xác, an toàn, bảo mật ở mức độ cao cho các giao dịch trực tuyến này.

image

Hướng dẫn sử dụng và cung cấp địa chỉ hỗ trợ của KBNN

Một số những khó khăn thách thức nhất định:

Một là: việc thay đổi thói quen làm việc, phê duyệt chứng từ thông qua bản giấy, ký chữ ký tay mà chưa quen với việc duyệt chứng từ trên máy tính, ký bằng chữ ký số, đã làm ảnh hưởng không nhỏ đến quá trình triển khai thực hiện, cũng như nhận thức vốn đã ăn sâu vào lề lối làm việc của một số các đơn vị. Trong giai đoạn đầu, khi việc triển khai sử dụng DVC trực tuyến thường gặp một số khó khăn, vướng mắc nhất định, có thể chưa quen với thao tác chuyển file dữ liệu, mã hóa điện tử... không như các thao tác giao dịch trực tiếp truyền thống tại quầy, phòng Giao dịch. Mặt khác, trong thời gian triển khai diện rộng, sẽ không tránh khỏi việc tồn tại cả hai phương thức giao dịch trực tuyến và giao dịch trực tiếp truyền thống. Áp lực gánh nặng công việc tăng lên khi phải thực hiện cả hai phương thức giao dịch có thể làm nản lòng người sử dụng tại các đơn vị và làm họ khó thay đổi thói quen cũ.

Hai là: Cân bằng hiệu năng truy cập và tốc độ xử lý trong giao dịch của DVC trực tuyến vừa đảm bảo tính an toàn bảo mật vừa đảm bảo tính thuận tiện, dễ sử dụng đối với các đơn vị giao dịch. Tuy nhiên đối với các dịch vụ công trực tuyến, đảm bảo an toàn bảo mật thường mâu thuẫn với sự thuận tiện, dễ sử dụng. Nhu cầu cung cấp dịch vụ công trực tuyến với quy trình đơn giản, thuận tiện cho người sử dụng tại các đơn vị có thể dẫn đến khó đảm bảo an toàn bảo mật. Trái lại, DVC trực tuyến nếu đòi hỏi nhiều cấp độ đăng nhập, khai báo để đảm bảo tính an toàn bảo mật thì lại khó đáp ứng được sự đòi hỏi về tốc độ truy cập, xử lý phiên giao dịch với người sử dụng tại các đơn vị. Vì vậy, cần lựa chọn phương án để hài hòa cả hai yếu tố này nhưng cũng cần có biện pháp phòng ngừa với những nguy cơ có thể dẫn đến thất thoát dữ liệu, sai lệch kết quả, sửa đổi thông tin, giả mạo.

Ba là: tiếp tục rà soát, đánh giá các thủ tục hành chính đang thực hiện để cải cách, đơn giản hóa tối đa hơn nữa, rút ngắn thời gian thực hiện, đảm bảo vừa đáp ứng tốt nhu cầu quản lý chi NSNN, vừa tạo điều kiện thuận lợi cho các đơn vị giao dịch với KBNN. Thủ tục hành chính thuộc lĩnh vực KBNN sau cải cách phải đảm bảo đơn giản, dễ hiểu, dễ thực hiện và được quy định tại văn bản quy phạm pháp luật theo đúng thẩm quyền. Khó khăn này sẽ được khắc phục dần dần bởi các đợt rà soát, cải cách theo hướng đơn giản hóa và ứng dụng CNTT vào quy trình thực hiện theo chủ trương chung của Chính phủ.

Trong thời gian tới, KBNN tiếp tục đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền và hướng dẫn cách sử dụng dịch vụ đến người sử dụng tại các đơn vị. Tận dụng tranh thủ cơ hội được Chính Phủ quan tâm, khuyến khích và tạo điều kiện pháp lý, KBNN thường xuyên tuyên truyền để nâng cao được nhận thức, hiểu biết về vai trò và lợi ích của hệ thống dịch vụ công, tạo động lực thúc đẩy của các đơn vị sử dụng ngân sách, chủ đầu tư tham gia sử dụng ngày càng nhiều các dịch vụ công trực tuyến KBNN. Trong tháng 1/2018, KBNN đã có công văn hướng dẫn các KBNN tỉnh, thành phố chuẩn bị các điều kiện cần thiết cho đợt triển khai diện rộng vào tháng 2/2018 kèm theo các thông tin truyền thông về các dịch vụ công trực tuyến KBNN cung cấp, các điều kiện tham gia, các lợi ích mang lại và các kênh hỗ trợ người sử dụng trong suốt quá trình tham gia tại địa chỉ: http://vst.mof.gov.vn và http://kbnn.botaichinh.gov.vn; địa chỉ email hỗ trợ hotrocntt@vst.gov.vn về Dịch vụ công và số điện thoại của KBNN: 024.62764300 cùng danh sách các số máy lẻ của đội hỗ trợ trung ương: 88617; 88608; 88610./.

Tin khác
1 2 3 4 5  ... 





Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Đăng nhập