image banner
Khai mạc Hội thảo Khu vực về “Đẩy mạnh công tác cải cách Quản lý ngân quỹ”
Lượt xem: 465
Sáng ngày 26/2/2019, tại thủ đô Hà Nội, Hội thảo Khu vực về Quản lý ngân quỹ do Kho bạc Nhà nước (KBNN) Việt Nam cùng Quỹ tiền tệ Quốc tế phối hợp tổ chức với chủ đề “Đẩy mạnh công tác cải cách Quản lý ngân quỹ” đã chính thức được khai mạc.

Sáng ngày 26/2/2019, tại thủ đô Hà Nội, Hội thảo Khu vực về Quản lý ngân quỹ do Kho bạc Nhà nước (KBNN) Việt Nam cùng Quỹ tiền tệ Quốc tế phối hợp tổ chức với chủ đề “Đẩy mạnh công tác cải cách Quản lý ngân quỹ” đã chính thức được khai mạc.

Hội thảo thu hút đông đảo đại biểu trong nước và quốc tế đến tham dự, bao gồm Bộ Tài chính, Kho bạc và Cục Quản lý nợ của các quốc gia trong Khu vực như: Malaysia, Thái Lan, Indonesia, Camphuchia... các chuyên gia kinh tế từ Ngân hàng Thế giới và Quỹ tiền tệ Quốc tế cùng đại biểu đại diện của một số Bộ, Ban ngành: Ủy ban Tài chính – Ngân sách Quốc hội; Ngân hàng Nhà nước...

Về phía Bộ Tài chính có đại diện của Vụ Ngân sách Nhà nước; Cục Quản lý Nợ và Tài chính đối ngoại và Vụ Tài chính Ngân hàng.

Về phía KBNN Việt Nam có bà Trần Thị Huệ - Phó Tổng Giám đốc KBNN Việt Nam cùng Lãnh đạo một số Cục, Vụ, cán bộ chủ chốt của đơn vị thuộc KBNN tham dự.

Hội thảo Khu vực về Quản lý ngân quỹ được tổ chức với mục tiêu đào tạo lý thuyết và thực tiễn về các nghiệp vụ quản lý ngân quỹ hiện đại, trong đó tập trung vào kiến thức, kỹ năng cần thiết để quản lý ngân quỹ hiệu quả nhằm hỗ trợ việc thực thi ngân sách thông qua cách thức duy trì tính thanh khoản đủ mà không có chi phí vượt mức và nằm trong ngưỡng rủi ro hợp lý. Trên cơ sở đó, đẩy mạnh công tác cải cách quản lý ngân quỹ, hoàn thiện khuôn khổ pháp lý và các công cụ quản lý đảm bảo quản lý ngân quỹ an toàn, hiệu quả. Bên cạnh đó, hội thảo cũng sẽ thảo luận về cách thức mà các quốc gia có thể đạt được mức hiệu quả cao hơn thông qua việc gắn kết công tác quản lý ngân quỹ với quản lý nợ Chính phủ để nâng cao hiệu quả sử dụng các nguồn lực tài chính nhà nước và quản lý nợ.

image

Bà Trần Thị Huệ - Phó Tổng Giám đốc KBNN Việt Nam phát biểu khai mạc Hội thảo

Phát biểu khai mạc hội thảo, Phó Tổng Giám đốc KBNN Việt Nam – Trần Thị Huệ nhiệt liệt chào mừng các đại biểu tham dự hội thảo tại Việt Nam và đánh giá cao ý nghĩa về giá trị, chất lượng nội dung của Hội thảo Khu vực về công tác quản lý ngân quỹ, đồng thời nhấn mạnh vai trò của Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) là một tổ chức uy tín, chia sẻ hợp tác, hỗ trợ và đối thoại nhằm nâng cao hiệu quả trong lĩnh vực quản lý ngân quỹ nói riêng và lĩnh vực tài chính công nói chung.

Phó Tổng Giám đốc KBNN khái quát công tác quản lý ngân quỹ nhà nước tại Việt Nam, theo đó công tác quản lý ngân quỹ là một trong bốn chức năng cơ bản của KBNN Việt Nam được thực hiện theo quy định tại Quyết định số 26/2015/QĐ-TTg ngày 08/7/2015 của Thủ tướng Chính phủ, khung pháp lý của công tác quản lý ngân quỹ nhà nước được hoàn thiện và điều chỉnh ở mức độ cao (Luật Ngân sách nhà nước 2015, Luật Quản lý nợ công, Nghị định 24/2016/NĐ-CP của Chính phủ...), cùng các Thông tư, Quyết định của Bộ Tài chính hướng dẫn, công tác quản lý ngân quỹ được bài bản, khoa học, minh bạch, phù hợp với thực tiễn Việt Nam và thông lệ quốc tế.

image

Toàn cảnh hội thảo chuyên đề

Bên cạnh đó, KBNN đã xây dựng các công cụ và quy trình nghiệp vụ phục vụ quản lý ngân quỹ nhà nước theo mục tiêu an toàn và hiệu quả theo hướng điện tử hóa: hoàn thiện việc xây dựng và vận hành hệ thống tài khoản thanh toán tập trung; nghiên cứu xây dựng các công cụ quản lý rủi ro trong hoạt động quản lý ngân quỹ, xây dựng hệ thống dự báo luồng tiền, đề án mua lại có kỳ hạn trái phiếu Chính phủ trên thị trường thứ cấp... Theo chiều ngược lại, tuy đã đạt được những kết quả bước đầu quan trọng, công tác quản lý ngân quỹ nhà nước của KBNN Việt Nam theo định hướng mới vẫn còn một số tồn tại như: chưa triển khai một cách đồng bộ tất cả các nghiệp vụ, tính hiệu quả chưa thực sự cao do các nghiệp vụ quản lý ngân quỹ nhà nước chưa được triển khai một cách toàn diện.

Qua việc phối hợp tổ chức Hội thảo Khu vực về chủ đề “Quản lý ngân quỹ hiện đại”, đây là cơ hội vô cùng ý nghĩa, một mặt giúp cho các cán bộ của KBNN Việt Nam có thể học hỏi, trao đổi kinh nghiệm với các nước tham dự và các chuyên gia quốc tế về hoạt động và nghiệp vụ quản lý ngân quỹ, từ đó rút ra những bài học kinh nghiệm, những định hướng có thể áp dụng vào công tác cải cách và hiện đại hóa KBNN, mặt khác còn nhằm mục đích giới thiệu, chia sẻ thành quả phát triển của KBNN Việt Nam trong lộ trình thực hiện chiến lược phát triển KBNN Việt Nam tiến tới xây dựng một kho bạc điện tử/kho bạc số trong thời gian tới.

Đánh giá cao sự phối hợp nhiệt tình, trách nhiệm của KBNN Việt Nam, ông David Cowen Giám đốc Văn phòng Xây dựng Năng lực IMF tại Thái Lan (CDOT) thông qua nội dung chương trình làm việc, đồng thời nhất trí với những nội dung quan điểm của Phó Tổng Giám đốc KBNN Việt Nam về tầm quan trọng của công tác cải cách hoạt động Quản lý ngân quỹ. Ông cũng tái khẳng định và bổ sung thêm tầm quan trọng của công tác quản lý ngân quỹ trong thời đại công nghệ điện tử/công nghệ số ngày nay không thể tách rời với mỗi nhà nước trong nền kinh tế vĩ mô.

image

Ông David Cowen Giám đốc Văn phòng Xây dựng Năng lực IMF tại Thái Lan phát biểu thông qua chương trình làm việc

Hoạt động quản lý ngân quỹ tốt, trước hết giúp đảm bảo ngân quỹ sẵn sàng đáp ứng các nghĩa vụ thanh toán của Chính phủ mỗi nước tại mọi thời điểm, sau đó là hỗ trợ hoạt động quản lý nợ của chính phủ, chính sách tiền tệ của ngân hàng trung ương, hỗ trợ sự phát triển của thị trường tài chính.

Theo thông lệ quốc tế, hoạt động quản lý ngân quỹ gồm 4 nội dung là xây dựng và hoàn thành hệ thống tài khoản thanh toán tập trung (TSA), phát triển hệ thống dự báo luồng tiền, đầu tư ngân quỹ và quản lý rủi ro ngân quỹ. Hiện nay, xu hướng quản lý ngân quỹ đang chuyển dần từ truyền thống (trên cơ sở dự báo dài hạn năm, quý, tháng) sang hướng hiện đại (trên cơ sở dự báo ngắn hạn hơn theo ngày, tuần) với các hình thức đầu tư ngân quỹ hiện đại hơn, tham gia sâu hơn vào thị trường tài chính, tiền tệ như hoạt động mua lại có kỳ hạn trái phiếu Chính phủ, đầu tư qua đêm. Đây cũng là những bước đệm quan trọng, là xu thế phát triển trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp số 4.0.

Theo chương trình đã đề ra, trong bốn ngày (từ ngày 26.02.2019 đến ngày 01.3.2019), các đại biểu sẽ tiến hành trao đổi, thảo luận theo nhóm cùng các chuyên gia quốc tế các nội dung về quản lý ngân quỹ (vai trò, các vấn đề, những thách thức, tiến độ, kế hoạch cải cách, sự phối hợp giữa quản lý ngân quỹ và quản lý nợ, sự sắp xếp về mặt thể chế); dự báo dòng tiền; tài khoản TSA, bộ đệm ngân quỹ và số dư ngân quỹ tối ưu; trình bày kinh nghiệm của một số quốc gia tham dự Hội thảo. Trong đó KBNN Việt Nam sẽ có bài tham luận về công tác Quản lý Ngân quỹ - Những tiến bộ, Thách thức và Đề án cải cách Quản lý ngân quỹ./.

image

image

Các đại biểu tham dự Hội thảo chụp ảnh lưu niệm

Tin khác
1 2 3 4 5  ... 





Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Đăng nhập