image banner
Kho bạc Nhà nước sẵn sàng triển khai dịch vụ công trực tuyến mức độ 4
Lượt xem: 1021
Từ đầu năm 2018, Kho bạc Nhà nước (KBNN) sẽ triển khai cung cấp dịch vụ công (DVC) trực tuyến KBNN mức độ 4 cho các đơn vị giao dịch với Sở Giao dịch KBNN, KBNN tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; KBNN thành phố trực thuộc tỉnh; KBNN Quận, thị xã (gồm 64 đơn vị cấp tỉnh, 125 đơn vị KBNN thành phố trực thuộc tỉnh; KBNN Quận, thị xã).

Từ đầu năm 2018, Kho bạc Nhà nước (KBNN) sẽ triển khai cung cấp dịch vụ công (DVC) trực tuyến KBNN mức độ 4 cho các đơn vị giao dịch với Sở Giao dịch KBNN, KBNN tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; KBNN thành phố trực thuộc tỉnh; KBNN Quận, thị xã (gồm 64 đơn vị cấp tỉnh, 125 đơn vị KBNN thành phố trực thuộc tỉnh; KBNN Quận, thị xã).

Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) trong hoạt động cơ quan nhà nước giai đoạn 2011-2015 theo Quyết định số 1605/QĐ-TTg ngày 27/08/2010 của Thủ tướng Chính phủ; Nghị quyết số 36a/NQ-CP ngày 14/10/2015 của Chính phủ về Chính phủ điện tử và Chiến lược phát triển KBNN với mục tiêu đến năm 2020, các hoạt động KBNN được thực hiện trên nền tảng CNTT hiện đại và hình thành Kho bạc điện tử.

image

Giao diện DVC trực tuyến trên Cổng TTĐT KBNN

Đảm bảo điều kiện cần thiết để triển khai

Để chuẩn bị vận hành, triển khai thành công DVC trực tuyến, KBNN đã xây dựng và triển khai thí điểm cung cấp DVC trực tuyến tại 05 KBNN tỉnh, thành phố gồm: KBNN Hải Phòng, KBNN Hà Nội, KBNN Đà Nẵng, KBNN Cần Thơ và KBNN Thành phố Hồ Chí Minh từ ngày 01/3/2016 trên Cổng thông tin điện tử KBNN tại hai địa chỉ: http://vst.mof.gov.vn và http://kbnn.botaichinh.gov.vn với 03 DVC trực tuyến được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt gồm: (1) Khai báo phiếu giao nhận hồ sơ giao dịch kiểm soát chi qua mạng và giao dịch một cửa với KBNN; (2) Giao diện thông tin yêu cầu thanh toán qua mạng và chương trình kê khai yêu cầu thanh toán; (3)Đăng ký mở và sử dụng tài khoản tại KBNN.

Trên cơ sở kết quả triển khai thí điểm, để đáp ứng tốt, tiện ích hơn cho các đơn vị giao dịch trong việc sử dụng DVC trực tuyến của KBNN, KBNN đã tiến hành nâng cấp hoàn thiện ứng dụng, tài liệu hướng dẫn sử dụng, các quy trình nội bộ và xây dựng trình Bộ Tài chinh ban hành thông tư quy định về giao dịch điện tử trong hoạt động nghiệp vụ KBNN thay thế Thông tư số 209/2010/TT-BTC ngày 20/12/2010 của Bộ Tài chính quy định giao dịch điện tử trong hoạt động nghiệp vụ KBNN và Quyết định số 2704/QĐ-BTC ngày 17/12/2015 của Bộ trưởng Bộ Tài chính về việc thí điểm thủ tục giao dịch điện tử đối với dịch vụ công trên Cổng thông tin KBNN để thể chế hóa, quy định pháp lý cao hơn trong việc cung cấp và sử dụng DVC trực tuyến KBNN tạo thuận lợi cho quá trình triển khai thực hiện và góp phần đẩy mạnh phương thức giao dịch điện tử.

Bên cạnh đó, KBNN cũng đã trình Bộ Tài chính ký ban hành Công văn số 5608/BTC-KBNN ngày 28/4/2017 gửi các Bộ, ngành, UBND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương thông tin tuyên truyền và đề nghị chỉ đạo các đơn vị thuộc và trực thuộc chuẩn bị các điều kiện tham gia DVC trực tuyến của KBNN.

Căn cứ điều kiện về ứng dụng, hạ tầng CNTT, văn bản pháp lý đã được ban hành, lộ trình và phạm vi triển khai đã được Bộ Tài chính phê duyệt, KBNN sẽ triển khai cung cấp DVC trực tuyến mức độ 4 cho các đơn vị giao dịch với Sở Giao dịch KBNN, KBNN tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; KBNN thành phố trực thuộc tỉnh; KBNN Quận, thị xã (gồm 64 đơn vị cấp tỉnh, 125 đơn vị KBNN thành phố trực thuộc tỉnh; KBNN Quận, thị xã) từ đầu năm 2018.

Các DVC trực tuyến được KBNN cung cấp trong đợt triển khai này, gồm: (1) Thông báo tham gia hệ thống dịch vụ công trực tuyến của KBNN; (2) Gửi và trả kết quả đối với hồ sơ kiểm soát chi (hồ sơ đề nghị cam kết chi hoặc đề nghị điều chỉnh cam kết chi, điều chỉnh hợp đồng/hủy hợp đồng, hủy cam kết chi; hồ sơ đề nghị tạm ứng, thanh toán). Không áp dụng gửi và trả kết quả đối với các nghiệp vụ: Chi bằng Lệnh chi tiền; nghiệp vụ ghi thu, ghi chi do cơ quan tài chính thực hiện; nghiệp vụ hoàn trả thu ngân sách do cơ quan thu thực hiện; các nghiệp vụ điều chỉnh số liệu chi ngân sách của các đơn vị; (3) Gửi và trả kết quả đối với hồ sơ đăng ký sử dụng bổ sung tài khoản hoặc thay đổi mẫu dấu, mẫu chữ ký; (4) Đăng ký rút tiền mặt.  

Trong năm 2018, KBNN sẽ tiếp tục rà soát, đánh giá để trình Bộ Tài chính cho phép triển khai tới tất cả các đơn vị KBNN huyện còn lại và quy định địa bàn, đơn vị bắt buộc giao dịch bằng phương thức điện tử với KBNN trên Trang thông tin dịch vụ công, không thực hiện giao dịch theo phương thức truyền thống gửi trực tiếp hồ sơ bản giấy ra kho bạc.

image

KBNN tổ chức đào tạo tập huấn DVC trực tuyến

Lợi ích của việc cung cấp và tham gia sử dụng DVC trực tuyến KBNN

Về phía đơn vị giao dịch với KBNN: Đơn vị khi tham gia DVC sẽ thực hiện kê khai và và lập chứng từ thanh toán theo mẫu trên DVC, ký số gửi KBNN. Theo đó, DVC đã cải cách thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi và giảm thời gian đi lại cho các đơn vị, giảm chi phí hoạt động, hạn chế việc giả mạo chữ ký, giả mạo con dấu của đơn vị do Kế toán trưởng và Thủ trưởng đơn vị ký duyệt bằng chữ ký số; thông tin thanh toán được bảo mật. Đồng thời trên DVC cung cấp các thông tin về thời gian, quá trình tiếp nhận hồ sơ, kiểm soát thanh toán thông qua các trạng thái như: “KBNN từ chối hoặc tiếp nhận hồ sơ”; “KBNN đang xử lý hồ sơ”; “KBNN đã thanh toán hoặc từ chối Thanh toán”; “KBNN từ chối hoặc tiếp nhận hồ sơ” điều đó đã góp phần tăng tính minh bạch trong việc kiểm soát hồ sơ thanh toán của KBNN và qua đó các đơn vị chủ động biết được tình trạng và kết quả xử lý hồ sơ thanh toán của đơn vị mình.

Về phía các đơn vị KBNN: DVC góp phần hiện đại hóa công tác kiểm soát chi theo hướng hồ sơ, chứng từ của đơn vị thực hiện kiểm soát chi qua KBNN sẽ được gửi trên DVC, từ đó giao diện vào hệ thống Tabmis bảo đảm minh bạch về hồ sơ, chứng từ, nội dung kiểm soát, là bước đi đầu tiên tiến tới thực hiện quy trình kiểm soát chi điện tử. Qua DVC, Lãnh đạo KBNN các cấp có thể kiểm tra được tình trạng xử lý các hồ sơ kiểm soát chi qua các báo cáo thống kê trên DVC; từ đó, làm tăng tính trách nhiệm của cán bộ kiểm soát chi trong quá trình thực thi nhiệm vụ,

Điều kiện tham gia DVC trực tuyến với KBNN

Để tham gia DVC trực tuyến, các đơn vị giao dịch với KBNN cần đáp ứng các điều kiện như: Một là, có máy tính và kết nối với mạng Internet, máy scan, địa chỉ thư điện tử liên lạc với KBNN để nhận thông báo chấp nhận đăng ký sử dụng dịch vụ công và một số thông báo khác của KBNN trong quá trình sử dụng DVC trực tuyến;

Hai là, có chứng thư số đang còn hiệu lực do một trong số các tổ chức sau cung cấp: Chứng thư số được cấp bởi tổ chức cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số chuyên dùng phục vụ các cơ quan thuộc hệ thống chính trị hoặc Chứng thư số được cấp bởi tổ chức cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số công cộng. Cụ thể: (i) Đơn vị có thể đăng ký chứng thư số chuyên dùng với Ban Cơ yếu Chính phủ theo quy định tại Thông tư số 08/2016/TT-BQP ngày 01/02/2016 của Bộ Quốc phòng hoặc liên hệ với các tổ chức cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số công cộng như FPT, VNPT, VIETTEL...”; (ii) Các chức danh của đơn vị sử dụng ngân sách cần thực hiện ký số trên DVC trực tuyến của KBNN gồm: Chủ tài khoản và người được ủy quyền; Kế toán trưởng và người được ủy quyền. (Lưu ý: Đối với danh sách chủ tài khoản, người được ủy quyền chủ tài khoản, kế toán trưởng, người được ủy quyền kế toán trưởng khi đăng ký cần phù hợp với danh sách đã được đăng ký các chức danh tương ứng (đang có hiệu lực) khi đăng ký mở tài khoản tại KBNN.);

Ba là, đã được KBNN cấp tài khoản đăng nhập và sử dụng các DVC của KBNN.

Có thể thấy rằng, việc chuẩn bị tổ chức triển khai DVC trực tuyến là một trong những điểm nhấn nổi bật của hệ thống KBNN 2017 trong công tác cải cách hành chính nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động và phục vụ tốt hơn yêu cầu của khách hàng giao dịch, giảm thiểu chi phí về thời gian và vật chất cho xã hội./.

Tin khác
1 2 3 4 5  ... 





Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Đăng nhập