image banner
Kỳ họp thứ hai, Quốc hội khóa XIV: Quyết định kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, dự toán ngân sách nhà nước và phân bổ ngân sách trung ương năm 2017
Lượt xem: 789
Ngày 20/10, Kỳ họp thứ hai, Quốc hội khóa XIV đã khai mạc trọng thể tại Hội trường Diên Hồng- Nhà Quốc hội. Kỳ họp lần này bên cạnh báo cáo về đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội và ngân sách nhà nước năm 2016, Quốc hội quyết định kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, dự toán ngân sách nhà nước và phân bổ ngân sách trung ương năm 2017; kế hoạch tái cơ cấu nền kinh tế giai đoạn 2016- 2020; kế hoạch tài chính 5 năm; kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016- 2020; mục tiêu, định hướng huy động, sử dụng vốn vay và quản lý nợ công giai đoạn 2016- 2020.

Ngày 20/10, Kỳ họp thứ hai, Quốc hội khóa XIV đã khai mạc trọng thể tại Hội trường Diên Hồng- Nhà Quốc hội. Kỳ họp lần này bên cạnh báo cáo về đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội và ngân sách nhà nước năm 2016, Quốc hội quyết định kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, dự toán ngân sách nhà nước và phân bổ ngân sách trung ương năm 2017; kế hoạch tái cơ cấu nền kinh tế giai đoạn 2016- 2020; kế hoạch tài chính 5 năm; kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016- 2020; mục tiêu, định hướng huy động, sử dụng vốn vay và quản lý nợ công giai đoạn 2016- 2020.

image

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu khai mạc kỳ họp

Phát biểu khai mạc Kỳ họp thứ hai, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết, năm 2016 là năm đầu tiên triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng. Với sự quyết tâm của cả hệ thống chính trị, toàn Đảng, toàn quân, toàn dân, các ngành, các cấp và cộng đồng doanh nghiệp đã nỗ lực phấn đấu triển khai Kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội năm 2016, Kế hoạch 5 năm 2016- 2020 và đạt được nhiều kết quả quan trọng. Kinh tế tăng trưởng khá, dự báo cả năm tuy đạt thấp hơn so với kế hoạch, nhưng là mức cao trong khu vực và thế giới. Kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định, lạm phát được kiểm soát. An sinh xã hội và các cân đối lớn của nền kinh tế cơ bản được bảo đảm. Công tác đối ngoại đạt được nhiều kết quả tích cực, góp phần nâng cao uy tín và vị thế của nước ta trên trường quốc tế. An ninh quốc phòng được giữ vững. Tuy nhiên, đất nước ta còn đối mặt với không ít khó khăn, thách thức, như tình trạng khô hạn kéo dài ở các tỉnh Nam Trung Bộ và Tây Nguyên; hạn hán, xâm nhập mặn ở đồng bằng Sông Cửu Long; sự cố môi trường và lũ lụt ở một số tỉnh miền Trung đã ảnh hưởng nặng nề đến phát triển nông nghiệp, đời sống của nhân dân. Kinh tế thế giới phục hồi chậm và tiềm ẩn nhiều bất trắc khó lường; giá dầu thô giảm mạnh, duy trì ở mức thấp hơn so với dự kiến kế hoạch, ảnh hưởng đến nguồn thu ngân sách nhà nước và các cân đối vĩ mô.

Trước tình hình đó đòi hỏi chúng ta phải quyết tâm cao, có những giải pháp quyết liệt, đột phá để thực hiện tái cơ cấu nền kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng, kiểm soát nợ công, xử lý nợ xấu, cơ cấu lại ngân sách nhà nước, tái cấu trúc hệ thống ngân hàng, tập trung vào ngân hàng thương mại, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh nhằm mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, duy trì tăng trưởng hợp lý, bảo đảm an sinh xã hội, cải thiện đời sống nhân dân; giữ vững ổn định chính trị, củng cố quốc phòng - an ninh, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, tạo đà phát triển cho những năm tiếp theo.

Tại kỳ họp này, Quốc hội xem xét báo cáo về đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội và ngân sách nhà nước năm 2016; quyết định kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, dự toán ngân sách nhà nước và phân bổ ngân sách trung ương năm 2017; kế hoạch tái cơ cấu nền kinh tế giai đoạn 2016- 2020; kế hoạch tài chính 5 năm; kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016- 2020; mục tiêu, định hướng huy động, sử dụng vốn vay và quản lý nợ công giai đoạn 2016- 2020.

Với các chủ trương, kế hoạch trên, kỳ họp thứ 2, Quốc Hội khóa XIV có khối lượng công việc lớn, nhiều nội dung quan trọng, Chủ tịch Quốc hội đề nghị các vị đại biểu Quốc hội nêu cao trách nhiệm, phát huy tinh thần đoàn kết, trí tuệ, tập trung nghiên cứu, thảo luận dân chủ, có nhiều ý kiến chất lượng, góp phần cho kỳ họp thành công tốt đẹp, đáp ứng lòng mong đợi của nhân dân.

image

Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc trình bày Báo cáo về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2016 và nhiệm vụ năm 2017

Sau khi Chủ tịch Quốc hội khai mạc kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XIV, Quốc hội đã nghe Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc trình bày Báo cáo về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2016; kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2017. Theo báo cáo của Thủ tướng Chính phủ thời gian qua, Chính phủ đã tập trung chỉ đạo, điều hành linh hoạt, phối hợp chặt chẽ giữa chính sách tài khóa với chính sách tiền tệ và các chính sách khác để kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô và thúc đẩy tăng trưởng. Theo đó, nợ xấu tiếp tục được xử lý gắn với nâng cao chất lượng tín dụng, bảo đảm thanh khoản và an toàn hệ thống; Quản lý chặt chẽ, chống thất thu ngân sách, chuyển giá, giảm nợ đọng thuế và tăng cường kiểm soát, tiết kiệm chi ngân sách nhà nước; Huy động vốn cho đầu tư phát triển được đẩy mạnh; thực hiện nhiều biện pháp thúc đẩy xuất khẩu trong bối cảnh tăng trưởng thương mại toàn cầu và khu vực giảm mạnh. Nhờ đó, mặc dù còn nhiều khó khăn nhưng tình hình kinh tế vĩ mô tiếp tục chuyển biến tích cực, các cân đối lớn cơ bản được bảo đảm. Tín dụng đối với nền kinh tế đến nay tăng 11,24%. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) 9 tháng tăng 3,14%, cả năm ước tăng khoảng 4%. Tổng thu ngân sách nhà nước 9 tháng đạt 70,8% dự toán; ước cả năm tăng 2,4%; bội chi giữ bằng mức Quốc hội thông qua. Trong 9 tháng, vốn FDI thực hiện tăng 12,4%; vốn ODA và vay ưu đãi giải ngân đạt khoảng 2,7 tỷ USD. Mức vốn hóa thị trường chứng khoán đạt 63% GDP, cao nhất từ trước đến nay; vốn đầu tư gián tiếp nước ngoài tăng mạnh. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội ước cả năm đạt 32,5% GDP...

Đồng thời, Chính phủ cũng đã tập trung các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Theo đó, trong 9 tháng, có trên 81.000 doanh nghiệp thành lập mới và trên 20.000 doanh nghiệp hoạt động trở lại, tạo được niềm tin và không khí phấn khởi của người dân, nhà đầu tư, doanh nghiệp.

Thủ tướng nhấn mạnh, trong những tháng còn lại của năm 2016, Chính phủ quyết tâm, nỗ lực phấn đấu hoàn thành cao nhất các mục tiêu, kế hoạch đề ra. Theo đó, dự báo năm 2016 có 11/13 chỉ tiêu đạt và vượt kế hoạch. Bước sang năm 2017, Chính phủ đặt mục tiêu tiếp tục bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô; tái cơ cấu kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh; khuyến khích khởi nghiệp, phát triển doanh nghiệp, thúc đẩy tăng trưởng.

Trên cơ sở đó, phấn đấu tổng sản phẩm trong nước (GDP) tăng khoảng 6,7%; tốc độ tăng giá tiêu dùng bình quân khoảng 4%; tổng kim ngạch xuất khẩu tăng 6-7%; tỷ lệ nhập siêu so với tổng kim ngạch xuất khẩu khoảng 3,5%; tỷ lệ bội chi ngân sách nhà nước so với GDP không quá 3,5%; tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội khoảng 31,5% GDP; tỷ suất tiêu hao năng lượng trên một đơn vị GDP giảm 1,5%.

image

Toàn cảnh Kỳ họp

Để đạt được cao nhất các mục tiêu đề ra, trong thời gian tới, Chính phủ sẽ tiếp tục điều hành hiệu quả, phối hợp chặt chẽ giữa chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ, kiểm soát lạm phát. Thực hiện chính sách tài khoá chặt chẽ, siết chặt kỷ luật tài chính - ngân sách nhà nước; đẩy mạnh huy động các nguồn lực cho đầu tư phát triển; tăng cường xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường xuất khẩu. Đồng thời, tập trung tháo gỡ khó khăn, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng; tái cơ cấu kinh tế một cách thực chất, gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh.

Cũng trong ngày khai mạc, Chủ tịch Quốc hội cũng chia sẻ những khó khăn, mất mát và gửi lời thăm hỏi ân cần đến đồng bào miền Trung đang nỗ lực khắc phục hậu quả nghiêm trọng do bão lũ gây ra, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân thay mặt Quốc hội ra lời kêu gọi đồng bào, chiến sĩ cả nước, đồng bào ta ở nước ngoài tiếp tục ủng hộ cả về vật chất và tinh thần, khắc phục hậu quả, giúp nhân dân các địa phương bị nhiều thiệt hại sớm ổn định sản xuất và đời sống./.


Tin khác
1 2 3 4 5  ... 





Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Đăng nhập