Việc triển khai các hệ thống ứng dụng Công nghệ thông tin (CNTT) trong thời gian qua đã bước đầu hình thành quy trình giao dịch điện tử trong lĩnh vực nghiệp vụ KBNN. Tuy nhiên, vẫn còn khá nhiều loại hồ sơ giấy còn tồn tại do vậy chưa thực sự phát huy hết vai trò của các hệ thống ứng dụng CNTT. Hiện nay, KBNN đang xây dựng chiến lược phát triển cho giai đoạn 2021 - 2030 với các định hướng cải cách về nghiệp vụ thuộc chức năng của KBNN (quản lý quỹ NSNN, tổng kế toán nhà nước, quản lý ngân quỹ và huy động vốn) để hướng tới hình thành Kho bạc số năm 2030.
Để hình thành Kho bạc số, một trong những thành tố rất quan trọng là xây dựng kiến trúc tổng thể về nghiệp vụ và kiến trúc hệ thống ứng dụng CNTT. Trên cơ sở nghiên cứu mô hình của WB, IMF và kinh nghiệm một số nước đi trước trong quá trình chuyển đổi số, tác giả xin đề xuất mô hình tổng quát các hệ thống ứng dụng CNTT nhằm thực hiện các chức năng cốt lõi của KBNN đề cập trong dự thảo Chiến lược phát triển KBNN giai đoạn 2021 - 2030, từ đó cung cấp dịch vụ số cho các đơn vị giao dịch, cơ quan quản lý, thực sự lấy đơn vị giao dịch và các cơ quan quản lý sử dụng dịch vụ của KBNN làm trung tâm.
Mô hình tổng quát hệ thống ứng dụng CNTT giai đoạn 2021 - 2030
Một số đặc điểm của mô hình tổng quát các ứng dụng CNTT của KBNN
Số hóa từ nguồn và chia sẻ dữ liệu số hóa: Các thông tin xuất phát từ cơ quan, tổ chức, cá nhân nào thì được số hóa ngay từ đó và được chia sẻ cho các bên cần sử dụng để giảm thiểu việc yêu cầu đơn vị có giao dịch với KBNN phải cung cấp lại bằng bản giấy hoặc bản quét scan. Ví dụ: Kế hoạch đầu tư công trung hạn, kế hoạch vốn đầu tư hàng năm, hợp đồng điện tử... được số hóa trên hệ thống CNTT của Bộ Kế hoạch và Đầu tư và chia sẻ để phục vụ công tác kiểm soát chi của KBNN; hóa đơn điện tử cung cấp hàng hóa cho khu vực công được số hóa bởi doanh nghiệp và kết nối với hệ thống cơ sở dữ liệu hóa đơn điện tử của cơ quan thuế cần được chia sẻ để phục vụ công tác kiểm soát chi của KBNN.
Về pháp lý: Hiện nay Bộ Thông tin và Truyền thông được Chính phủ giao và đang xây dựng nghị định về chia sẻ dữ liệu để ban hành trong năm 2020.
Liên thông về kế toán đồ và giá trị mã số giữa các hệ thống: Các cơ quan, tổ chức có các thông tin cần liên thông với nhau cần có quy định để sử dụng các giá trị mã thống nhất thì mới đảm bảo tính liên thông được với nhau. Ví dụ như hệ thống tài khoản kế toán của lĩnh vực kế toán nhà nước cần có sự đánh mã kế toán đồ thống nhất thì mới đủ điều kiện để thực hiện tổng hợp, phân tích thông tin trong khối kế toán nhà nước; mã dự án đầu tư cần thống nhất giữa công tác lập - giao kế hoạch trung hạn của Bộ Kế hoạch và Đầu tư với mảng kiểm soát chi của KBNN; mã ngành kinh tế quản lý dự án đầu tư bên ngành Kế hoạch và Đầu tư (theo Quyết định số 10/2007/QĐ-TTg ngày 23/01/2007 của Thủ tướng Chính phủ ban hành hệ thống ngành kinh tế của Việt Nam) với mã ngành kinh tế của ngành tài chính (theo mục lục ngân sách) cần có sự thống nhất…
Về mặt pháp lý: Các cơ quan quản lý có liên quan cần trình cấp có thẩm quyền ban hành các văn bản phù hợp để quy định cho các lĩnh vực sử dụng chung các hệ thống giá trị mã số trong công tác quản lý.
Cung cấp đa kênh giao dịch trên nền tảng số: Các hệ thống ứng dụng CNTT luôn hướng tới cung cấp cho người dùng các công cụ để tương tác với hệ thống thông qua các nền tảng khác nhau như sử dụng máy tính để bàn, xách tay; như sử dụng các thiết bị di động cầm tay gồm máy tính bảng, điện thoại di động; như các thiết bị truy nhập từ xa(thin – client)… từ đó tiến đến giảm tối thiểu kênh giao dịch bằng giấy tờ.
Giao tiếp thông qua internet: Các tương tác qua giao diện người dùng của các hệ thống ứng dụng CNTT với các cá nhân, tổ chức, đơn vị bên ngoài đều thông qua mạng internet; các tương tác giữa hệ thống ứng dụng CNTT của bên ngoài KBNN với hệ thống của KBNN đều thông qua mạng internet; tương tác của người dùng thuộc hệ thống KBNN được thực hiện vừa trong mạng nội ngành vừa có thể thực hiện được từ internet.
Các phân hệ nghiệp vụ trong mô hình tổng quát các ứng dụng CNTT của KBNN
Về quản lý quỹ NSNN
Phân hệ thu NSNN: Phân hệ này được triển khai mở ra trên internet để cung cấp dịch vụ thu NSNN trực tuyến cho người nộp NSNN (bao gồm thuế, phí, lệ phí, thu phạt vi phạm hành chính) thông qua các nền tảng số hóa như máy tính, ứng dụng di động thông minh, quét mã QR code… từ đó hình thành cơ sở dữ liệu tập trung về thu NSNN cung cấp thông tin cho người nộp ngân sách, các cơ quan quản lý. Phân hệ này kết nối dữ liệu điện tử trực tuyến thời gian thực với hệ thống ngân hàng, hệ thống cơ quan thuế, cơ quan hải quan, cơ quan phạt vi phạm hành chính, các cơ quan thực hiện các thủ tục hành chính (như các trung tâm hành chính). Đồng thời phân hệ này có kết nối với phân hệ sổ cái kế toán nhà nước nhằm hạch toán kịp thời nhanh chóng nội dung kế toán thu NSNN.
Phân hệ phân bổ ngân sách: Phân hệ này cho phép các đơn vị dự toán ngân sách của 4 cấp ngân sách (trung ương, tỉnh, huyện, xã) thực hiện phân bổ ngân sách hằng năm trực tuyến cho các đơn vị dự toán cấp dưới. Nếu như hiện nay trên TABMIS thì cơ quan tài chính tỉnh, huyện thực hiện phân bổ ngân sách cho đơn vị, với ngân sách cấp xã thì KBNN huyện thực hiện trên hệ thống giúp cho xã, với ngân sách trung ương thì bộ - ngành trung ương thực hiện, thì theo mô hình đề xuất, các đơn vị dự toán thực hiện toàn bộ trên phân hệ này thông qua mạng internet. Các cơ quan tài chính (các vụ chuyên quản thuộc Bộ Tài chính; các sở tài chính, phòng tài chính) thực hiện phê duyệt trực tiếp trên phân hệ này. Phân hệ này có kết nối trực tiếp với phân hệ sổ cái kế toán nhà nước để hạch toán kế toán ngân sách. Riêng kế hoạch đầu tư trung hạn: Thực hiện kết nối với dữ liệu điện tử của hệ thống của Bộ Kế hoạch và Đầu tư.
Phân hệ mua sắm công và chi NSNN: Phân hệ này kết hợp với các hệ thống của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho phép đơn vị sử dụng ngân sách thực hiện các công việc: Kiểm tra dự toán trước khi đấu thầu, thực hiện đấu thầu, ký hợp đồng điện tử, thực hiện cam kết chi điện tử, tiếp nhận hóa đơn điện tử và ghi nhận phải trả, thực hiện yêu cầu chi ngân sách để thanh toán cho đơn vị cung cấp hàng hóa, dịch vụ; các yêu cầu NSNN được chuyển hóa thành điện thanh toán đi qua hệ thống “thanh toán với ngân hàng” hoặc thông qua “nền tảng tích hợp ứng dụng và chia sẻ dữ liệu” để kết nối với hệ thống ngân hàng (tùy theo phương án kỹ thuật mà các hệ thống ngân hàng thống nhất với KBNN sau này). Phân hệ này kết nối trực tiếp với phân hệ sổ cái kế toán nhà nước để hạch toán.
Các hồ sơ pháp lý các dự án đầu tư (quyết định phê duyệt dự án, quyết định phê duyệt thiết kế - dự toán, quyết định cho phép thực hiện công tác chuẩn bị đầu tư, quyết định phê duyệt dự toán chi phí cho công tác chuẩn bị đầu tư hoặc dự toán từng hạng mục công việc thuộc công tác chuẩn bị đầu tư, văn bản của cấp có thẩm quyền cho phép tự thực hiện (trường hợp chưa có trong quyết định đầu tư của cấp có thẩm quyền), quyết định phê duyệt dự toán của cấp có thẩm quyền đối với từng công việc, hạng mục công trình, công trình đối với trường hợp chỉ định thầu hoặc tự thực hiện và các công việc thực hiện không thông qua hợp đồng (trừ dự án chỉ lập báo cáo kinh tế - kỹ thuật), quyết định phê duyệt của cấp có thẩm quyền về dự toán chi phí cho công tác tổ chức thực hiện bồi thường, hỗ trợ và tái định cư và dự toán chi phí bồi thường, hỗ trợ và tái định cư và phương án bồi thường, hỗ trợ và tái định cư): áp dụng một trong hai phương án:
Nếu hệ thống của Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã số hóa hoặc hệ thống của Bộ/ngành/địa phương đã số hóa thì sẽ sử dụng lại dữ liệu điện tử đó;
Nếu hệ thống liên quan chưa số hóa thì phân hệ này cho phép chủ đầu tư/ban quản lý dự án trực tiếp số hóa, đưa lên phân hệ, ký số thành dữ liệu điện tử, từ đó làm căn cứ cho kiểm soát chi đầu tư.
Các khoản chi lương: Các đơn vị tải trực tuyến các hồ sơ lương theo quy định làm cơ sở cho việc cung cấp dữ liệu điện tử về thanh toán lương từ đơn vị đến KBNN và kết nối với các hệ thống ngân hàng để chuyển tiền tới người lao động trong khu vực công.
Các khoản thanh toán theo hóa đơn của các nhà cung cấp như: Điện, nước, viễn thông, bảo hiểm xã hội thực hiện theo lô theo định kỳ khi đến hạn thông qua kết nối điện tử giữa hệ thống của các nhà cung cấp với hệ thống KBNN và với hệ thống ngân hàng.
Về lĩnh vực kế toán nhà nước
Phân hệ “dịch vụ kế toán nhà nước” cho phép đơn vị hành chính sự nghiệp (HCSN) thực hiện một trong hai lựa chọn: (i)Nếu đơn vị hành chính sự nghiệp có hệ thống ứng dụng kế toán thì kết nối tích hợp với cổng dịch vụ kế toán nhà nước các dữ liệu điện tử theo kế toán đồ COA chung giữa đơn vị và KBNN; (ii)nếu đơn vị hành chính sự nghiệp không có hệ thống ứng dụng kế toán thì thực hiện kế toán trực tuyến trên cổng dịch vụ kế toán nhà nước do KBNN cung cấp. Dữ liệu về kế toán được chuyển từ “dịch vụ kế toán nhà nước” vào phân hệ sổ cái kế toán nhà nước nhằm tổng hợp các thông tin của lĩnh kế toán nhà nước. Tại các đơn vị thuộc hệ thống KBNN: Các nội dung kế toán được thực hiện trên phân hệ sổ cái kế toán nhà nước.
Phân hệ Kho dữ liệu kế toán nhà nước và nghiệp vụ KBNN là kho dữ liệu có đầy đủ các thông tin về các lĩnh vực kế toán nhà nước, quỹ NSNN, ngân quỹ nhà nước và huy động vốn. Từ Kho dữ liệu sẽ thực hiện các báo cáo về thực thi ngân sách, quyết toán ngân sách, báo cáo tài chính nhà nước.
Về dịch vụ báo cáo và cung cấp dữ liệu mở
Với cơ sở dữ liệu tập trung về quỹ NSNN, kế toán nhà nước, ngân quỹ nhà nước và huy động vốn, KBNN cung cấp dịch vụ các loại báo cáo khác nhau thuộc các chức năng quản lý của mình trên nền tảng internet với các công cụ đa kênh bao gồm các báo cáo theo mẫu mã quy định, các báo cáo thuộc dịch vụ báo cáo phục vụ các user khác nhau, các dữ liệu mở công khai ra công chúng, dữ liệu mở có phân quyền, dữ liệu mở theo các thỏa thuận…
Về quản lý ngân quỹ và huy động vốn
KBNN đã vận hành hệ thống quản lý ngân quỹ từ năm 2019 với các chức năng chính về dự báo dòng tiền và năm 2020 nâng cấp để tổ chức thầu để lựa chọn ngân hàng gửi ngân quỹ nhà nước. Trong mô hình tổng quát, hệ thống này được mở rộng bổ sung tiếp các chức năng liên quan đến công tác quản lý rủi ro ngân quỹ, công tác đầu tư ngân quỹ khi có yêu cầu.
Trong công tác huy động vốn, KBNN đã vận hành hệ thống quản lý trái phiếu phát hành lô lớn từ năm 2019. Trong mô hình tổng quát, hệ thống này được mở rộng để bổ sung các chức năng hoặc kết nối tích hợp với các cơ quan tổ chức có liên quan đến chu trình phát hành, thanh toán trái phiếu khi có yêu cầu.
Về liên kết dữ liệu và liên kết hệ thống thông tin
Nền tảng này cung cấp các khả năng tương tác xử lý và chia sẻ dữ liệu giữa các hệ thống ứng dụng CNTT với nhau thông qua môi trường mạng. Xét về khía cạnh triển khai nền tảng tích hợp ứng dụng và chia sẻ dữ liệu sẽ gồm nền tảng ngoài và trong. Nền tảng ngoài đặt ở vùng internet của KBNN nhằm cung cấp mọi liên kết giữa hệ thống thông tin KBNN với các hệ thống của mọi tổ chức bên ngoài KBNN. Nền tảng trong nhằm phục vụ việc tương tác giữa các hệ thống con của KBNN. Dữ liệu được chia sẻ từ ngoài đi qua nền tảng này (qua nền tảng ngoài, vào nền tảng trong) vào các hệ thống của KBNN, ngược lại dữ liệu được chia sẻ từ trong sẽ đi từ hệ thống thông tin KBNN qua nền tảng trong, sang nền tảng ngoài và chia sẻ với các hệ thống khác. Trường hợp chia sẻ giữa các hệ thống của KBNN thì chỉ đi qua nền tảng trong.
Các hệ thống thông tin ngoài KBNN có liên quan
Do yêu cầu cần thực hiện mức độ liên thông dữ liệu ở mức cao nên phụ thuộc vào tiến độ cải cách nghiệp vụ và xây dựng triển khai bài toán của các ngành có liên thông với KBNN:
Hệ thống kế toán của đơn vị hành chính sự nghiệp gửi số liệu thuộc lĩnh vực kế toán nhà nước đến cổng dịch vụ kế toán nhà nước do KBNN cung cấp làm cơ sở số liệu cho việc hình thành sổ cái kế toán nhà nước và Kho dữ liệu, từ đó có thể lập được các báo cáo về kế toán nhà nước, báo cáo quyết toán ngân sách, báo cáo tài chính nhà nước.
Hệ thống của Bộ Kế hoạch và Đầu tư chia sẻ dữ liệu điện tử theo thời gian thực các dữ liệu về đấu thầu điện tử và hợp đồng điện tử thuộc phạm vi cần kiểm soát chi NSNN, kế hoạch đầu tư công trung hạn và hàng năm, tiến độ thực hiện hợp đồng điện tử của khối công... với hệ thống CNTT của KBNN làm cơ sở cho công tác kiểm soát chi của KBNN
Hệ thống của cơ quan thuế/hải quan/cơ quan phạt hành chính/trung tâm hành chính chia sẻ dữ liệu điện tử theo thời gian thực về số phải thu ngân sách đối với các khoản thuế, phí, lệ phí, phạt vi phạm hành chính… theo các mã số định danh các khoản phải thu để có cơ sở cho đơn vị, cá nhân phải thực hiện nghĩa vụ với NSNN.
Hệ thống quản lý hóa đơn điện tử của cơ quan thuế chia sẻ theo thời gian thực số liệu hóa đơn điện tử thuộc phạm vi cần kiểm soát chi NSNN.
Hệ thống quản lý nợ và kết nối với hệ thống quản lý trái phiếu để tổng hợp thông tin về toàn bộ số liệu của mảng quản lý nợ công.
Hệ thống của KBNN chia sẻ dữ liệu điện tử theo thời gian thực với các hệ thống của các cơ quan, tổ chức liên quan đến thực hiện chức năng nhiệm vụ của KBNN.
Điều kiện triển khai mô hình tổng quát các ứng dụng CNTT của KBNN
Vể cơ chế chính sách, quy trình quản lý nghiệp vụ: Nghiên cứu, xây dựng, ban hành chuẩn mực kế toán công áp dụng tại Việt Nam; hoàn thiện và nâng cao cơ chế quản lý mua sắm công và chi NSNN; cải tiến cơ chế - quy trình phân bổ dự toán ngân sách theo hướng đơn vị dự toán thực hiện trên hệ thống, cơ quan tài chính kiểm tra trên hệ thống;
Về cơ chế chính sách CNTT: Nhà nước cần xây dựng và ban hành văn bản pháp lý về định danh trên hệ thống CNTT cũng như văn bản pháp lý về chia sẻ dữ liệu bắt buộc giữa các tổ chức, cơ quan đơn vị trong phạm vi cả nước.
Về sự sẵn sàng của các cơ quan đơn vị có liên thông trong mô hình: Mô hình chỉ có thể khả thi khi ở các cơ quan đơn vị liên quan cũng cần có các dữ liệu điện tử được liên thông với KBNN. Và điều kiện cần có là các chính sách - quy trình quản lý ở các tổ chức, cơ quan có liên quan cũng được cải cách và ban hành thành văn bản pháp lý và hệ thống CNTT của các tổ chức này cũng được xây dựng và triển khai với lộ trình phù hợp với hệ thống KBNN.
Điều kiện về nguồn nhân lực chất lượng cao trong xây dựng cơ chế chính sách và trong nghiên cứu xây dựng và triển khai hệ thống; nâng cao chất lượng đội ngũ công chức thừa hành cung cấp dịch vụ thuộc lĩnh vực kho bạc (thực hiện nhiệm vụ quản lý quỹ NSNN, kế toán nhà nước).
Nguồn lực tài chính để thực hiện các dự án cải cách hiện đại hóa.
Về lộ trình xây dựng và triển khai các hệ thống ứng dụng CNTT
Giai đoạn 2021 - 2023: (i) Thực hiện cải cách công tác thu NSNN nhằm cung cấp dịch vụ tất cả các khoản thanh toán thu NSNN trực tuyến (có sử dụng mã số định danh các khoản phải thu NSNN, mã số định danh cho các khoản thực thu NSNN); hình thành cơ sở dữ liệu đầy đủ tất cả các khoản thu NSNN.(ii) Xây dựng và triển khai dịch vụ trực tuyến phân bổ ngân sách nhà nước nhằm chuyển đổi từ nền tảng phân bổ trên TABMIS trong mạng nội ngành tài chính sang phân bổ trên cổng trực tuyến trên mạng internet.
Giai đoạn 2022 – 2025: Thực hiện cải cách đồng bộ và thống nhất giữa ngành tài chính và ngành kế hoạch đầu tư nhằm đồng bộ hóa các chính sách nghiệp vụ về quản lý đầu tư công và NSNN để kết nối liên thông phục vụ quá trình mua sắm công và chi NSNN (kiểm tra trực tuyến dự toán trước khi đấu thầu qua mạng, ký hợp đồng điện tử và cam kết chi trung hạn, thực hiện dành dự toán cho khoản chi đã có cam kết, thực hiện hóa đơn điện tử…)
Giai đoạn 2023 – 2030: Thực hiện những cải cách về kế toán nhà nước như đưa vào ban hành chuẩn mực kế toán công áp dụng tại Việt Nam; hoàn thiện kế toán đơn vị hành chính sự nghiệp và kế toán NSNN để hình thành kế toán nhà nước; đồng thời nghiên cứu xây dựng và triển khai cổng dịch vụ kế toán nhà nước, sổ cái kế toán nhà nước, Kho dữ liệu kế toán nhà nước và nghiệp vụ KBNN, trên cơ sở đó lập báo cáo quyết toán và báo cáo tài chình nhà nước trực tiếp từ Kho dữ liệu kế toán nhà nước và nghiệp vụ KBNN.
Trong suốt quá trình thực hiện, nền tảng tích hợp và chia sẻ, dịch vụ báo cáo và dữ liệu mở được xây dựng song song ngay từ giai đoạn đầu và được bổ sung mở rộng ở từng giai đoạn 2 và giai đoạn 3 để hình thành dần dần và tiến đến hoàn thiện nền tảng tích hợp/chia sẻ và dịch vụ báo cáo/dữ liệu mở đầy đủ cho cả giai đoạn 2021 - 2030. Trong tiến trình đó các hệ thống về quản lý ngân quỹ, về quản lý trái phiếu cũng được hoàn hiện khi có yêu cầu nghiệp vụ.