image banner
Đại hội đồng Liên hợp quốc tuyên chiến với tham nhũng
Lượt xem: 505
Từ ngày 02/6/2021 đến ngày 04/6/2021 tại trụ sở Liên Hợp quốc, New York, Hoa Kỳ đã diễn ra Phiên họp đặc biệt của Đại hội đồng Liên Hợp quốc về Phòng, chống tham nhũng (UNGASS) với chủ đề: “Thách thức và các biện pháp Phòng chống tham nhũng, tăng cường hợp tác quốc tế”. Phiên họp có sự tham gia trực tuyến và trực tiếp của đại diện các quốc gia thành viên của Liên Hợp quốc, các tổ chức kinh tế khu vực, các tổ chức xã hội và các quan sát viên trên toàn thế giới. Phái đoàn Thường trực Việt Nam tại Liên Hợp quốc và Thanh tra Chính phủ tham dự phiên họp.
anh tin bai

Tại phiên họp đặc biệt này, Đại hội đồng Liên hợp quốc đã thông qua Tuyên bố chính trị của các Lãnh đạo cấp cao và đại diện các quốc gia thành viên Công ước Liên Hợp quốc về Chống tham nhũng (UNCAC), qua đó thể hiện quyết tâm chính trị mạnh mẽ của các quốc gia thành viên và sự quan tâm cộng đồng quốc tế đối với công tác phòng, chống tham nhũng ở phạm vi toàn cầu. Nội dung của Tuyên bố bao gồm các cam kết mang tính hành động nhắm hướng tới nâng cao hiệu lực, hiệu quả thực thi UNCAC, dựa trên nguyên tắc là sẽ được các Quốc gia thành viên xem xét, khi phù hợp để thực hiện, trên cơ sở tuân thủ pháp luật quốc gia.

Cũng tại phiên họp này, Đại hội đồng Liên hợp quốc đã cho ra mắt của Mạng lưới các cơ quan thực thi pháp luật chống tham nhũng toàn cầu (GlobE Network). Theo các chuyên gia phòng chống tham nhũng, GlobE Network sẽ cung cấp một công cụ thực tiễn mới cho các cơ quan thực thi pháp luật chống tham nhũng nhằm thúc đẩy hợp tác xuyên biên giới nhanh hơn, hiệu quả hơn và chủ động chia sẻ thông tin để theo dõi và truy tố tội phạm tham nhũng xuyên biên giới và thu hồi tài sản, đồng thời sẽ cho phép các cơ quan thực thi pháp luật điều hướng các quy trình pháp lý thông qua hợp tác không chính thức xuyên biên giới, giúp xây dựng lòng tin và đưa những người phạm tội tham nhũng ra trước công lý. Song song với đó GlobE Network sẽ đảm bảo rằng tất cả quốc gia và các cơ quan chống tham nhũng độc lập của họ có liên hệ và công cụ họ cần để theo dõi, điều tra, truy tố tham nhũng xuyên biên giới - bao gồm điểm xuất phát, nơi quá cảnh và quốc gia đến - một cách nhanh chóng và hiệu quả.

Không dừng lại ở đó, cuối năm 2021 (13/12- 17/12/2021) tại Ai Cập đã diễn ra Hội nghị các quốc gia thành viên Công ước Liên hợp quốc về chống tham nhũng lần thứ 9 (CoSP9). Qua kết quả Hội nghị cho thấy, tình trạng tham nhũng vẫn là một thách thức mang tính toàn cầu, đặc biệt là trong quá trình phục hồi và phát triển kinh tế của các quốc gia. Trước thực trạng đó, Hội nghị nhấn mạnh đến việc thảo luận, thông qua các cơ chế, giải pháp đấu tranh, phòng, chống tham nhũng mang tính thực chất như: xây dựng, ban hành và thực hiện chiến lược tổng thể quốc gia về phòng, chống tham nhũng; chú trọng đến các nguyên tắc về quản trị tốt; tăng cường ứng dụng các thành tựu khoa học công nghệ của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0; tăng cường hợp tác quốc tế trong phòng chống tham nhũng, đặc biệt là hợp tác thực thi pháp luật và thu hồi tài sản tham nhũng giữa các quốc gia thành viên; thúc đẩy việc đánh giá kết quả thực hiện các cam kết của quốc gia thành viên trong khuôn khổ UNCAC và Tuyên bố chính trị về PCTN của Đại Hội đồng Liên hợp quốc, cũng như trong các diễn đàn hợp tác đa phương khác ở cấp độ khu vực và toàn cầu.

Là thành viên của UNCAC, trong những năm qua, Việt Nam đã nghiêm túc thực thi những cam kết đã mà mình là thành viên. Những cam kết này về cơ bản cũng phù hợp với quan điểm, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Việt Nam về phòng, chống tham nhũng, ví dụ như việc mở rộng công tác phòng, chống tham nhũng ra khu vực ngoài nhà nước, xây dựng liêm chính trong hoạt động kinh doanh; xây dựng bộ máy quản lý nhà nước liêm chính, trách nhiệm giải trình; nâng cao hiệu quả phát hiện, điều tra, truy tố, xét xử các vụ án tham nhũng và nâng cao hiệu quả thu hồi tài sản tham nhũng…

Việc tham gia, cam kết thực hiện Tuyên bố Chính trị và các Nghị quyết thông qua tại CoSP9, trên tinh thần phù hợp với các nguyên tắc cơ bản của pháp luật quốc gia, vừa là trách nhiệm của Việt Nam với tư cách quốc gia thành viên Liên Hợp quốc và UNCAC, vừa góp phần khẳng định vị thế và vai trò của Việt Nam trên trường quốc tế theo phương châm: Việt Nam là thành viên tích cực, chủ động, có trách nhiệm trong các khuôn khổ hợp tác đa phương, đặc biệt là khuôn khổ Liên Hợp quốc. Qua đó cũng cho thấy, nỗ lực, quyết tâm mạnh mẽ, xuyên suốt, nhất quán của Đảng và Nhà nước ta trong công cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, góp phần vào những nỗ lực chung của các quốc gia thành viên khác, của Liên Hợp quốc và cộng đồng quốc tế nhằm đẩy lùi tệ nạn tham nhũng, đóng góp thiết thực và việc thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững, bao trùm theo Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững.

Thực hiện chỉ đạo của Thanh tra Chính phủ, Bộ Tài chính, KBNN đã ban hành Công văn số 2965/KBNN-TTKT ngày 24/6/2022 về việc triển khai các nhiệm vụ tăng cường hợp tác quốc tế về phòng, chống tham nhũng theo Kết quả phiên họp UNGASS 2021 và Hội nghị CoSP9 để các đơn vị thuộc và trực thuộc phổ trong hệ thống triển khai thực hiện./.

Nguyễn Tuấn Dũng – Nguyễn Thanh Tú Anh (tổng hợp)

Tin khác
1 2 3 4 5  ... 





Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Đăng nhập