image banner
Những quy định về Thẻ Căn cước công dân
Lượt xem: 2202

 

Thẻ Căn cước công dân (CCCD) là giấy tờ tuỳ thân gồm những thông tin cơ bản về lai lịch, nhận dạng của công dân Việt Nam để thực hiện các giao dịch trên lãnh thổ Việt Nam. CCCD lưu trữ dữ liệu thông tin về công dân thống nhất trên toàn quốc với độ chính xác cao, đầy đủ, mỗi công dân được cấp 01 số thẻ CCCD cũng là số định danh cá nhân; trên thẻ CCCD được gắn chip điện tử có khả năng lưu trữ thông tin của công dân để các Bộ, ngành, địa phương có thể khai thác và kết nối, bổ sung, tích hợp thông tin trên chip phục vụ công tác quản lý nhà nước, nâng cao hiệu quả công tác cải cách hành chính, hướng tới xây dựng Chính phủ điện tử. Việc cấp và quản lý CCCD sẽ mang lại hiệu quả lớn về kinh tế, xã hội; cơ quan nhà nước sẽ được hưởng thụ những dịch vụ công tốt nhất, được kết nối, khai thác thông tin phục vụ công tác quản lý được nhanh chóng, chính xác, công khai, minh bạch, rút ngắn thời gian trả kết quả; các giao dịch của người dân được thực hiện nhanh chóng, thuận tiện, tiết kiệm chi phí, công sức đi lại của nhân dân.

Tính ưu việt của thẻ CCCD gắn chip có độ bảo mật cao, dung lượng lưu trữ lớn, tích hợp thêm thông tin khác của cá nhân như: Hộ khẩu, hộ tịch, Bảo hiểm y tế, mã số thuế, Giấy phép lái xe... Khi tích hợp đầy đủ các thông tin, người dân đi giao dịch và làm các thủ tục sẽ không phải mang theo nhiều loại giấy tờ, không phải chứng thực, công chứng các loại giấy tờ để chứng minh nhân thân mà chỉ cần dùng thẻ CCCD có gắn chip để thực hiện được các giao dịch dân sự. Các thiết bị cho phép đọc thông tin trên chip có thể truy cập mà không bị phụ thuộc vào kết nối mạng, giúp cho việc xác thực danh tính được thực hiện nhanh chóng, hạn chế tối đa việc giả mạo danh tính.

Phương án bảo mật thông tin cá nhân khi sử dụng thẻ CCCD gắn chip: Chip sử dụng trên thẻ CCCD tuân thủ quy định bảo mật của thế giới và Việt Nam, trên chip có thực hiện ký số do vậy khó có thể làm giả, đảm bảo độ tin cậy trong thực hiện các giao dịch. Chip có khả năng lưu trữ thông tin sinh trắc học (vân tay) cho phép xác thực đảm bảo chính xác con người. Qua đó, thông tin chủ thẻ được định danh một cách chính xác, giảm thiểu mọi nguy cơ giả mạo thẻ, đảm bảo an toàn bảo mật nhất là trong các giao dịch tài chính. Khi đề xuất sử dụng thẻ CCCD có gắn chip điện tử, Bộ Công an đã xây dựng phương án đảm bảo tính bảo mật thông tin được lưu trữ trên chip. Chip gắn trên thẻ CCCD không có chức năng định vị, theo dõi để xác định vị trí của công dân. Việc tích hợp, sử dụng thông tin trên chip tuân thủ quy định của pháp luật Việt Nam, bảo đảm an ninh, an toàn thông tin.

Tuổi đuợc cấp CCCD và độ tuổi đổi thẻ CCCD: Công dân Việt Nam từ đủ 14 tuổi được cấp thẻ CCCD; Thẻ CCCD phải đổi khi công dân đủ 25 tuổi, đủ 40 tuổi và đủ 60 tuổi. Trường hợp thẻ CCCD được cấp, đổi, cấp lại trong thời hạn 2 năm trước tuổi quy định nêu trên này thì vẫn có giá trị sử dụng đến tuổi đổi thẻ tiếp theo.

Về số Căn cước công dân (Số định danh cá nhân) là dãy số tự nhiên gồm 12 số, có cấu trúc gồm: 3 số đầu là mã tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương hoặc mã quốc gia nơi công dân đăng ký khai sinh; 1 số tiếp theo là mã giới tính (Thế kỷ 20 (từ năm 1900 đến hết năm 1999): Nam 0, nữ 1; thế kỷ 21 (từ năm 2000 đến hết năm 2099): Nam 2, nữ 3; Thế kỷ 22 (từ năm 2100 đến hết năm 2199): Nam 4, nữ 5... 2 số tiếp theo là 2 số cuối năm sinh của công dân; 6 tiếp theo là khoảng số ngẫu nhiên. Ví dụ: Nam giới, sinh năm 1988, đăng ký khai sinh ở tỉnh Lào Cai sẽ có số CCCD là: 010.088.xxx.xxx.

Sau khi làm xong thủ tục cấp CCCD gắn chip, cơ quan Công an sẽ trả lại CMND/CCCD cũ cho nhân dân (chưa cắt góc CMND/CCCD cũ để công dân sử dụng trong thời gian chờ nhận thẻ CCCD gắn chip).

Khi nhận thẻ CCCD gắn chip, công dân nộp lại CMND/CCCD cũ để cơ quan Công an xử lý, cắt góc CMND/CCCD cũ, sau đó trả lại CMND/CCCD cũ đã cắt góc và CCCD gắn chip cho công dân.

Trường hợp công dân yêu cầu trả thẻ CCCD qua dịch vụ Bưu chính công ích thì nhân viên Bưu điện khi trả thẻ CCCD gắn chip sẽ tiến hành cắt góc CMND/CCCD cũ, trả CMND/CCCD cũ đã cắt góc và CCCD gắn chip cho công dân.

Khi đi làm thẻ CCCD cần phải mang theo: Sổ hộ khẩu, chứng minh thư nhân dân/CCCD cũ (nếu có), giấy tờ hợp pháp khi chưa có dữ liệu thông tin dân cư hoặc có sự thay đổi, điều chỉnh thông tin cá nhân.

Trường hợp công dân đã được cấp chứng minh nhân dân và CCCD trước đó, theo quy định của Luật CCCD và pháp luật hiện hành, công dân vẫn được sử dụng ba loại thẻ (Chứng minh nhân dân 9 số, Chứng minh nhân dân 12 số và CCCD mã vạch) đến khi thẻ hết giá trị sử dụng. Tuy nhiên, để tạo điều kiện thuận lợi cho công dân trong thực hiện các giao dịch, cải cách hành chính hướng tới thực hiện Chính phủ điện tử, Chính phủ số, Bộ Công an khuyến khích công dân thực hiện đổi sang sử dụng thẻ CCCD có gắn chíp điện tử.

Lệ phí đổi thẻ CCCD gắn chíp điện tử: Được thực hiện theo Thông tư 112/2020/TT-BTC, kể từ ngày 1-1-2021 đến hết ngày 30-6-2021, lệ phí cấp Căn cước công dân bằng 50% mức thu lệ phí quy định tại Điều 4 Thông tư 59/2019/TT-BTC ngày 30-8-2019 quy định mức thu, chế độ thu, nộp và quản lý lệ phí cấp Căn cước công dân. Kể từ ngày 1-7-2021 trở đi, mức thu lệ phí nêu trên thực hiện theo Thông tư 59/2019/TT-BTC.

Các trường hợp miễn lệ phí đổi, cấp lại thẻ CCCD khi: Đổi thẻ CCCD khi Nhà nước quy định thay đổi địa giới hành chính; Công dân là bố, mẹ, vợ, chồng, con dưới 18 tuổi của liệt sĩ; thương binh, người hưởng chính sách như thương binh; con dưới 18 tuổi của thương binh và người hưởng chính sách như thương binh; bệnh binh; công dân thường trú tại các xã biên giới; công dân thường trú tại các huyện đảo; đồng bào dân tộc thiểu số ở các xã có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn; công dân thuộc hộ nghèo theo quy định của pháp luật; Công dân dưới 18 tuổi, mồ côi cả cha lẫn mẹ, không nơi nương tựa.

Các trường hợp không phải nộp lệ phí khi cấp, đổi thẻ CCCD: Công dân từ đủ 14 tuổi trở lên làm thủ tục cấp thẻ CCCD lần đầu; Đổi thẻ CCCD theo quy định: thẻ CCCD phải được đổi khi công dân đủ 25 tuổi, đủ 40 tuổi và đủ 60 tuổi; Đổi thẻ CCCD khi có sai sót về thông tin trên thẻ CCCD do lỗi của cơ quan quản lý CCCD.

Ngày 13/11/2020, Quốc hội đã thông qua Luật cư trú sửa đổi, có hiệu lực thi hành từ 01/7/2021; hiện tại hệ thống Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, hệ thống cấp và quản lý CCCD chính thức đi vào hoạt động; sổ hộ khẩu, sổ tạm trú đã được cấp vẫn được sử dụng và có giá trị như giấy tờ, tài liệu xác nhận về cư trú đến hết ngày 31/12/2022, sau đó, sẽ bỏ sổ hộ khẩu, bỏ sổ tạm trú, công tác quản lý dân cư, quản lý cư trú được thực hiện bằng Cơ sở dữ liệu dân cư, số định danh cá nhân (CCCD).

                                                                                               NKT

                                                                            (Kho bạc Nhà nước Lào Cai)

Tin khác
1 2 3 4 5  ... 





Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Đăng nhập