image banner
Nhiều kết quả tích cực trong thực hiện nhiệm vụ tài chính - ngân sách 6 tháng đầu năm 2017
Lượt xem: 671
Sáng ngày 5/7/2017, Bộ Tài chính (BTC) tổ chức Hội nghị toàn quốc ngành Tài chính nhằm đánh giá tình hình thực hiện nhiệm vụ tài chính - ngân sách nhà nước (NSNN) 6 tháng đầu năm, triển khai nhiệm vụ và các giải pháp thực hiện nhiệm vụ tài chính - NSNN 6 tháng cuối năm 2017 theo hình thức trực tuyến

Sáng ngày 5/7/2017, Bộ Tài chính (BTC) tổ chức Hội nghị toàn quốc ngành Tài chính nhằm đánh giá tình hình thực hiện nhiệm vụ tài chính - ngân sách nhà nước (NSNN) 6 tháng đầu năm, triển khai nhiệm vụ và các giải pháp thực hiện nhiệm vụ tài chính - NSNN 6 tháng cuối năm 2017 theo hình thức trực tuyến

Tham dự Hội nghị có Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ - Vương Đình Huệ cùng đại biểu đại diện lãnh đạo các bộ, ban, ngành của TW như: Ủy ban Tài chính Ngân sách Quốc Hội; Ủy ban Kiểm tra Trung ương; Văn phòng Chính phủ; Ban Kinh tế trung ương.... tham dự Hội nghị. Bộ trưởng Bộ Tài chính - Đinh Tiến Dũng chủ trì và điều hành hội nghị.

image

Thứ trưởng Bộ Tài chính - Huỳnh Quang Hải trình bày báo cáo công tác tài chính - ngân sách 6 tháng đầu năm 2017 và triển khai nhiệm vụ tài chính ngân sách 6 tháng cuối năm

Theo báo cáo của Bộ Tài chính, nhiệm vụ Tài chính – Ngân sách Nhà nước (NSNN) 6 tháng đầu năm 2017 được triển khai trong bối cảnh tình hình kinh tế - xã hội tiếp tục có nhiều thuận lợi nhưng kèm theo nhiều khó khăn, thách thức. Trên cơ sở thực hiện các Nghị quyết của Đảng, Quốc hội và sự chỉ đạo sát sao, kịp thời của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; với sự nỗ lực, quyết tâm phấn đấu cao của cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp (DN), nhân dân và của toàn ngành Tài chính, nhiệm vụ tài chính - NSNN 6 tháng đầu năm đã đạt được những kết quả tích cực, có ý nghĩa quan trọng, góp phần thúc đẩy việc thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế xã hội đã đề ra.

Tổng thu NSNN ước đạt 563,5 nghìn tỷ đồng, bằng 46,5% dự toán, tăng 13,9% so với cùng kỳ năm 2016. Trong đó, thu nội địa đạt 45,6% dự toán, tăng 12,4%, không kể thu tiền sử dụng đất, thu xổ số kiến thiết, thu cổ tức, lợi nhuận còn lại và thu bán vốn cổ phần sở hữu nhà nước đạt 45,5% dự toán, tăng 10,5% so với cùng kỳ năm 2016, cơ bản sát với tăng trưởng kinh tế.

image

Toàn cảnh Hội nghị

Tổng chi NSNN ước đạt 582,96 nghìn tỷ đồng, bằng 41,9% dự toán, tăng 8,3% so cùng kỳ năm 2016. Chi NSNN được tổ chức điều hành chặt chẽ, đúng chính sách, chế độ, trong phạm vi dự toán được giao và phù hợp với tiến độ thực hiện. Trong 6 tháng đầu năm, đã sử dụng khoảng 1,6 nghìn tỷ đồng nguồn dự phòng NSTƯ, chủ yếu để hỗ trợ các địa phương khắc phục hậu quả bão lũ, hạn hán và xâm nhập mặn, hỗ trợ giống khôi phục sản xuất sau thiên tai. Cân đối NSTƯ và ngân sách các cấp địa phương 6 tháng đầu năm được đảm bảo; trong đó bội chi NSTƯ bằng khoảng 43,5% dự toán.

Trong công tác chỉ đạo, điều hành chính sách tài khóa BTC luôn chủ động, chặt chẽ, tiết kiệm siết chặt kỷ cương, kỷ luật tài chính, bám sát Chương trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, hoàn thiện thể chế, cải cách hành chính cải thiện môi trường kinh doanh, khuyến khích khởi nghiệp, phát triển doanh nghiệp, nâng cao năng xuất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh. BTC đã chủ động trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 14/CT-TTg ngày 19/4/2017, trong đó yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tập trung chỉ đạo điều hành, phấn đấu hoàn thành vượt mức dự toán thu NSNN từ hoạt động sản xuất kinh doanh trên địa bàn, tổ chức thực hiện chi NSNN đúng chính sách, chế độ, đúng dự toán được duyệt, đảm bảo chặt chẽ, tiết kiệm, chống lãng phí, nâng cao hiệu quả sử dụng NSNN. Đồng thời, trình Thủ tướng Chính phủ phương án điều hành NSNN năm 2017 theo các kịch bản tăng trưởng kinh tế nhằm đảm bảo cân đối ngân sách các cấp, giữ bội chi và tổng mức vay của NSNN năm 2017 trong phạm vi Quốc hội cho phép. Bên cạnh đó, BTC đã tập trung chỉ đạo thực hiện tốt các luật thuế và nhiệm vụ thu NSNN năm 2017, quản lý chặt chẽ các khoản thu, khai thác nguồn thu, mở rộng cơ sở thuế (cả đối tượng và địa bàn); đẩy mạnh chống thất thu, buôn lậu, gian lận thương mại; quyết liệt xử lý nợ thuế; tăng cường thanh tra, kiểm tra thuế. Bên cạnh đó, đã tiếp tục rà soát, trình cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung, ban hành mới các chính sách về tài chính, thuế, phí phù hợp với tình hình thực tế và cam kết hội nhập quốc tế; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính (TTHC), tạo môi trường kinh doanh bình đẳng cho DN.

image

Ủy viên Bộ Chính trị - Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ ghi nhận kết quả ngành Tài chính đã đạt được và phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị

Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Ủy viên Bộ chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ ghi nhận và đánh giá cao kết quả mà ngành Tài chính đã đạt được trong 6 tháng đầu năm, mặc dù trong bối cảnh nền kinh tế có nhiều áp lực như lạm phát, lãi suất... nhưng công tác thu ngân sách nhà nước vẫn tăng so với cùng kỳ năm 2016. Đây chính là điểm sáng trong tác điều hành, quản lý tài chính ngân sách của ngành Tài chính.

Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ nhấn mạnh một số những giải pháp đối với ngành Tài chính trong thời gian tới như: Hoàn thiện pháp luật về cổ phần hóa và thoái vốn; Triển khai quyết liệt Nghị quyết 07, Đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, Tiếp tục phát triển thị trường vốn, thị trường chứng khoán, Tiếp tục kiểm soát lạm phát chặt chẽ; Tăng cường cải cách thủ tục hành chính; Tăng cường kỷ cương nội ngành, phối hợp chặt chẽ với các bộ ngành để thực hiện tốt công tác tài chính ngân sách.

image

Bộ trưởng Bộ Tài chính - Đinh Tiến Dũng tiếp thu ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ và phát biểu kết thúc Hội nghị

Tiếp thu ý kiến chỉ đạo của Ủy viên Bộ chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ, Bộ trưởng Bộ Tài chính bày tỏ quyết tâm, kêu gọi toàn ngành Tài chính với tinh thần nỗ lực vượt khó, đoàn kết, nhất trí, đồng lòng thực hiện tốt nhất nhiệm vụ tài chính ngân sách năm 2017 được Đảng và Nhà nước giao phó. Trên cơ sở những kết quả đạt được, để hoàn thành nhiệm vụ Tài chính – NSNN năm 2017, Bộ trưởng Bộ Tài chính đưa ra một số giải pháp trọng tâm như: (1) Tập trung hoàn thiện thể chế, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực tài chính, trọng tâm là lĩnh vực thuế, hải quan, góp phần cải thiện môi trường kinh doanh, khuyến khích khởi nghiệp, phát triển doanh nghiệp, nâng cao năng xuất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh; (2) Tổ chức thực hiện tốt các luật thuế và nhiệm vụ thu NSNN năm 2017; hạn chế tối đa việc đề xuất, ban hành các chính sách mới làm giảm thu NSNN; quyết tâm thu đạt và vượt dự toán Quốc hội quyết định; (3) Quản lý, điều hành chi NSNN chặt chẽ, đúng quy định, đảm bảo tiết kiệm, hiệu quả đồng thời chỉ đề xuất ban hành chính sách làm tăng chi ngân sách khi thật sự cần thiết và có nguồn đảm bảo; (4) Tăng cường quản lý, kiểm soát chặt chẽ nợ công, nợ Chính phủ, nợ nước ngoài của quốc gia, nợ của chính quyền địa phương; (5) Tăng cường và đẩy mạnh công tác quản lý, kiểm tra thị trường; (6) Đổi mới cơ chế tài chính đơn vị sự nghiệp công, giá dịch vụ công; (7) Siết chặt kỷ luật tài chính, thực hành tiết kiệm chống lãng phí; (8) Chủ động hợp tác, hội nhập tài chính quốc tế; (9) Chuẩn bị tốt các điều kiện và tổ chức xây dựng kế hoạch phát triển KT-XH và dự toán NSNN năm 2018, kế hoạch tài chính – NSNN 3 năm 2018-2020 sát thực tiễn, khả thi./.

image

Một số điểm cầu trên toàn quốc


Tin khác
1 2 3 4 5  ... 





Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Đăng nhập