image banner
Nội dung dự thảo Nghị định về Báo cáo tài chính nhà nước nhằm tăng cường công tác quản lý tài chính Nhà nước và tính công khai minh bạch của Chính phủ
Lượt xem: 878
Thực hiện Luật Kế toán số 88/2015/QH13 ngày 20/11/2015, Kho bạc Nhà nước (KBNN) đang chủ trì, phối hợp các đơn vị trong và ngoài ngành tài chính để khẩn trương hoàn thiện dự thảo Nghị định của Chính phủ về Báo cáo tài chính nhà nước, trình Bộ Tài chính để trình Chính phủ ban hành.

Thực hiện Luật Kế toán số 88/2015/QH13 ngày 20/11/2015, Kho bạc Nhà nước (KBNN) đang chủ trì, phối hợp các đơn vị trong và ngoài ngành tài chính để khẩn trương hoàn thiện dự thảo Nghị định của Chính phủ về Báo cáo tài chính nhà nước, trình Bộ Tài chính để trình Chính phủ ban hành.

Theo nội dung của dự thảo Nghị định, Báo cáo tài chính nhà nước đầu tiên được lập cho số liệu tài chính năm 2018, sẽ được công khai trên phạm vi toàn quốc. Thông tin tài chính nhà nước trên các báo cáo tài chính nhà nước được lập trên cơ sở các nguyên tắc kế toán phù hợp với thông lệ và chuẩn mực quốc tế trong lĩnh vực công sẽ đáp ứng yêu cầu của công tác quản lý tài chính hiện đại, phản ánh đầy đủ, toàn diện bức tranh về nền tài chính nhà nước; đồng thời được công khai trước nhân dân và xã hội, nâng cao tính minh bạch và trách nhiệm giải trình của Chính phủ. Đây là một bước cải tiến mạnh mẽ của Chính phủ, của Ngành Tài chính trong quá trình thực hiện quản lý nền tài chính quốc gia.

image

Ông Nguyễn Hồng Hà – Tổng Giám đốc KBNN, Phó Trưởng ban Thường trực Ban soạn thảo Nghị định về BCTCNN

Thông tin tài chính nhà nước hiện còn phân tán

Các thông tin tài chính nhà nước hiện nay đang được theo dõi từng phần và phản ánh tương đối chi tiết trên báo cáo tài chính của các đơn vị, theo quy định của chế độ kế toán áp dụng cho từng loại hình đơn vị cụ thể. Tuy nhiên, do đặc thù của yêu cầu quản lý, những thông tin này còn khá rải rác, phân tán và chưa được tổng hợp một cách đầy đủ và bài bản theo đúng yêu cầu của quản lý tài chính nhà nước.

Bên cạnh đó, vẫn còn một số đối tượng kế toán hiện nay mới chỉ được theo dõi chủ yếu dưới hình thức thống kê mà chưa được hạch toán kế toán một cách đầy đủ (nợ Chính phủ, nợ chính quyền địa phương, vốn đầu tư của Nhà nước tại các doanh nghiệp, tài sản kết cấu hạ tầng, …).

Mặt khác, hiện nay chưa có quy định để tổ chức và triển khai hệ thống báo cáo chung của Chính phủ, chính quyền địa phương để phản ánh đầy đủ thông tin về tài sản; nợ phải trả; nguồn vốn của Nhà nước; tình hình thu, chi và kết quả hoạt động tài chính nhà nước; tình hình lưu chuyển tiền tệ từ hoạt động tài chính nhà nước... Vì vậy, việc đánh giá hiệu quả chi tiêu công, phân tích khả năng tài chính của đất nước, của từng địa phương, đánh giá hiệu quả thực hiện các cơ chế, chính sách về tài chính, ngân sách vẫn còn một số hạn chế. Đồng thời, chưa phát huy được tối đa vai trò giám sát của xã hội, của đông đảo nhân dân đối với công tác quản lý tài chính Nhà nước.

Lập báo cáo tài chính nhà nước và từng địa phương

Nhằm khắc phục các hạn chế nêu trên, cung cấp đầy đủ thông tin về tình hình tài chính nhà nước trên toàn quốc hoặc tại từng địa phương; Luật Kế toán 2015 (được Quốc hội thông qua ngày 20/11/2015) đã quy định về việc lập báo cáo tài chính nhà nước. Theo đó, tại Điều 30 Luật Kế toán số 88/2015/QH13 quy định: “Báo cáo tài chính nhà nước được lập trên cơ sở hợp nhất báo cáo tài chính của cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập, tổ chức kinh tế và các đơn vị có liên quan khác thuộc khu vực nhà nước, dùng để tổng hợp và thuyết minh về tình hình tài chính nhà nước, kết quả hoạt động tài chính nhà nước và lưu chuyển tiền tệ từ hoạt động tài chính nhà nước trên phạm vi toàn quốc và từng địa phương”; đồng thời giao Chính phủ quy định chi tiết về nội dung báo cáo tài chính nhà nước; việc tổ chức thực hiện lập, công khai báo cáo tài chính nhà nước; trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị, địa phương trong việc cung cấp thông tin phục vụ việc lập báo cáo tài chính nhà nước.

Trên cơ sở đó, Bộ Tài chính đã chỉ đạo KBNN tiến hành nghiên cứu, xây dựng dự thảo và đưa ra lấy ý kiến dự thảo Nghị định của Chính phủ về Báo cáo tài chính nhà nước.

Mục tiêu của Báo cáo tài chính nhà nước là cung cấp thông tin về tình hình tài chính nhà nước, kết quả hoạt động tài chính nhà nước và lưu chuyển tiền tệ từ hoạt động tài chính nhà nước trên phạm vi toàn quốc và từng địa phương, bao gồm: tài sản; nợ phải trả và nguồn vốn của Nhà nước; tình hình thu nhập, chi phí và kết quả hoạt động tài chính nhà nước; tình hình lưu chuyển tiền tệ từ hoạt động tài chính nhà nước; Việc lập Báo cáo tài chính nhà nước sẽ được thực hiện trên phạm vi toàn quốc và từng địa phương. Các mẫu biểu Báo cáo tài chính nhà nước được xây dựng theo hướng phù hợp với thông lệ quốc tế, bao quát được toàn bộ tình hình tài sản nhà nước hiện có hoặc các nguồn lực tài chính tiềm năng trên cơ sở khả năng định giá, chuyển đối thành tiền; từ đó làm căn cứ phân tích khả năng tài chính của đất nước, của từng địa phương, đánh giá hiệu quả chi tiêu công cũng như hiệu quả thực hiện các cơ chế, chính sách về tài chính, ngân sách quốc gia hiện tại và tương lai.

Báo cáo tài chính nhà nước của Việt Nam gồm có: Báo cáo tình hình tài chính nhà nước, Báo cáo kết quả hoạt động tài chính nhà nước, Báo cáo lưu chuyển tiền tệ, Thuyết minh báo cáo tài chính nhà nước.

Cụ thể, báo cáo tình hình tài chính nhà nước, là báo cáo tài chính tổng hợp, phản ánh toàn bộ thông tin về tài sản, nợ phải trả, nguồn vốn của Nhà nước trên phạm vi toàn quốc hoặc một tỉnh, thành phố tại thời điểm kết thúc kỳ báo cáo.

Báo cáo kết quả hoạt động tài chính nhà nước: là báo cáo tài chính tổng hợp, phản ánh tình hình thu nhập, chi phí và kết quả hoạt động tài chính nhà nước trên phạm vi toàn quốc hoặc một tỉnh, thành phố trong kỳ báo cáo.

Báo cáo lưu chuyển tiền tệ là báo cáo tài chính tổng hợp, phản ánh tình hình lưu chuyển tiền tệ, bao gồm các luồng tiền thu vào, các luồng tiền chi ra từ các hoạt động thường xuyên, hoạt động đầu tư và hoạt động tài chính của nhà nước trên phạm vi toàn quốc hoặc một tỉnh trong kỳ báo cáo; số dư tiền và tương đương tiền của nhà nước trên phạm vi toàn quốc hoặc một tỉnh, thành phố tại thời điểm kết thúc kỳ báo cáo.

Thuyết minh báo cáo tài chính nhà nước được lập để giải thích và bổ sung thông tin, phân tích đánh giá về tình hình tài chính nhà nước, kết quả hoạt động tài chính nhà nước, tình hình lưu chuyển tiền tệ của Nhà nước trong kỳ báo cáo mà các báo cáo tài chính nhà nước khác không thể trình bày chi tiết.

Công khai Báo cáo tài chính nhà nước

Căn cứ quy định của Luật Kế toán, theo dự thảo Nghị định, Bộ Tài chính, mà trực tiếp là KBNN giúp Bộ trưởng Bộ Tài chính, chịu trách nhiệm tổng hợp số liệu, lập Báo cáo tài chính nhà nước toàn quốc để Bộ Tài chính trình Chính phủ để báo cáo Quốc hội. Kho bạc Nhà nước tỉnh, thành phố trực thộc trung ương chịu trách nhiệm tổng hợp số liệu, lập Báo cáo tài chính nhà nước tỉnh, thành phố trình Ủy ban Nhân dân báo cáo Hội đồng nhân dân cùng cấp; gửi số liệu về Kho bạc Nhà nước để tổng hợp lập Báo cáo tài chính nhà nước toàn quốc. Việc tổng hợp số liệu, lập báo cáo tài chính nhà nước được thực hiện trên cơ sở hợp nhất thông tin trên báo cáo tài chính của cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập, tổ chức kinh tế và các đơn vị có liên quan khác thuộc khu vực nhà nước.

 image

Tổng Giám đốc KBNN Nguyễn Hồng Hà trong cuộc trao đổi kinh nghiệm với chuyên gia của Bộ Tài chính Vương Quốc Anh về Báo cáo tài chính nhà nước

Sau khi báo cáo Quốc hội, Hội đồng nhân dân, thông tin trên Báo cáo tài chính nhà nước sẽ được Bộ Tài chính (đối với báo cáo toàn quốc) và Ủy ban nhân dân tỉnh (đối với báo cáo tỉnh) công khai theo quy định. Theo đó, các thông tin sẽ được công khai bao gồm: tình hình tài sản của Nhà nước; nợ công và các khoản phải trả khác của Nhà nước; nguồn vốn của Nhà nước; tình hình thu nhập, chi phí và kết quả hoạt động tài chính nhà nước; tình hình lưu chuyển tiền tệ từ hoạt động tài chính nhà nước; trừ số liệu chi tiết thuộc lĩnh vực quốc phòng, an ninh, dự trữ quốc gia.

Theo dự thảo Nghị định, thời gian thực hiện lập, báo cáo Hội đồng nhân dân và Quốc hội được quy định như sau: trong vòng 12 tháng đối với Báo cáo tài chính nhà nước tỉnh và trong vòng 18 tháng đối với báo cáo tài chính nhà nước toàn quốc. Với thời gian dự kiến đưa vào triển khai thực hiện, Báo cáo tài chính nhà nước của năm tài chính 2018 sẽ được báo cáo trước Quốc hội, Hội đồng nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và công khai, minh bạch đến mọi tầng lớp nhân dân, cơ quan, tổ chức trong xã hội.

Theo kinh nghiệm thực tế của nhiều nước đã phát triển trên thế giới khi áp dụng việc lập và công khai báo cáo tài chính nhà nước, với một lĩnh vực mới mang nhiều nội dung phức tạp cả về nguyên lý cũng như khả năng triển khai thực tế trong điều kiện ở Việt Nam, thì trong những năm đầu của việc lập Báo cáo tài chính nhà nước, chắc chắc Việt Nam sẽ gặp không ít khó khăn thách thức trong công tác tổ chức, triển khai cũng như tính đầy đủ, toàn diện của số liệu tài chính nhà nước, đòi hỏi thời gian để tiếp tục nghiên cứu và hoàn thiện.

Tuy nhiên, với quyết tâm cải cách, nâng cao hơn nữa hiệu quả quản lý tài chính nhà nước cũng như trách nhiệm của Chính phủ, vai trò giám sát của nhân dân, xã hội, việc lập và công khai báo cáo tài chính nhà nước thể hiện một bước tiến mới trong công tác quản lý, điều hành tài chính và tăng cường tính công khai minh bạch của Chính phủ; đáp ứng yêu cầu quản lý hiện đại, phù hợp với thông lệ quốc tế; góp phần hướng tới một nền tài chính nhà nước ngày càng minh bạch, hiệu quả./.

Tin khác
1 2 3 4 5  ... 





Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Đăng nhập