image banner
Thanh toán song phương điện tử: Bước tiến mới trong công tác quản lý quỹ NSNN
Lượt xem: 80
Chiều ngày 26/08/2014, tại trụ sở Kho bạc Nhà nước (KBNN) 32 Cat Linh – Hà Nội), KBNN đã tổ chức Hội nghị tổng kết triển khai Thanh toán song phương điện tử và phối hợp thu (TTSPĐ&PHT) do đồng chí Nguyễn Hồng Hà – Tổng Giám đốc KBNN chủ trì, nhằm đánh giá những kết quả đã đạt được cũng như những hạn chế, tồn tại cần khắc phục sau 1 năm triển khai. Tới dự hội nghị có các đồng chí là đại diện các Vụ, Viện thuộc Bộ Tài chính; đại diện lãnh đạo Tổng Cục Hải quan; đại diện lãnh đạo các ngân hàng thương mại triển khai TTSPĐT&PHT với KBNN; đại diện lãnh đạo các đơn vị và chuyên viên trực tiếp triển khai TTSPĐT; đại diện các cơ quan truyền hình, thông tấn, báo chí tới dự và đưa tin.
IMG_7012.jpg
 Tổng Giám đốc KBNN Nguyễn Hồng Hà phát biểu tại hội nghị
 
IMG_6926.jpg
Đ/c Nguyễn Đại Trí – Phó Tổng Giám đốc KBNN đã trình bày Báo cáo tổng kết Triển khai TTSPĐT&PHT
 

Tại hội nghị, đồng chí Nguyễn Đại Trí – Phó Tổng Giám đốc KBNN đã trình bày Báo cáo tổng kết Triển khai Thanh toán song phương điện tử và Phối hợp thu NSNN giữa KBNN và các NHTM. Theo đó, công tác thanh toán trong nội bộ hệ thống KBNN trong những năm gần đây tuy đã được điện tử hóa, song công tác thanh toán song phương của KBNN với các NHTM cơ bản vẫn được thực hiện thủ công, đặc biệt là tại các đơn vị KBNN quận, huyện… Vì vậy, KBNN đã được Bộ Tài chính phê duyệt chủ trương triển khai thanh toán song phương điện tử và phối hợp thu với các NHTM. Trên cơ sở đó, từ năm 2013 và những tháng đầu năm 2014, KBNN đã cùng với 4 hệ thống NHTM: Ngân hàng thương mại cổ phần Công thương Việt Nam (Vietinbank); Ngân hàng thương mại cổ phần đầu tư Việt Nam (BIDV); Ngân hàng nông nghiệp và phát triển nông thông Việt Nam (Agribank); Ngân hàng thương mại cổ phần ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) và nhà thầu (Công ty Seatech; Công ty TNHH Hệ thống thông tin FPT – FIS) khẩn trương phối hợp, tập trung nghiên cứu, xây dựng và triển khai thành công hệ thống thanh toán song phương điện tử (TTSPĐT) và phối hợp thu ngân sách nhà nước (PHT NSNN). Sau 1 năm nghiên cứu, triển khai và vận hành trên toàn hệ thống KBNN với các NHTM nơi KBNN các cấp mở tài khoản, kết quả cụ thể của hệ thống TTSPĐT và PHT NSNN được đánh giá là thành công, tạo được bước đột phá  trên một số mặt chủ yếu sau:

TTSPĐT và PHT cải cách quy trình và thủ tục hành chính, thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt

TTSPĐT và PHT là một thay đổi cơ bản về kỹ thuật và nghiệp vụ, ứng dụng giữa KBNN và 4 hệ thống NHTM; cải thiện đáng kể chất lượng công tác kế toán, thanh toán của KBNN; góp phần đẩy nhanh quá trình điện tử hóa công tác giao dịch giữa KBNN và NHTM nói chung và của KBNN nói riêng trong quá trình thanh toán, chi trả của NSNN và tập trung các khoản thu NSNN, thay thế hoàn toàn phương thức thủ công giao nhận, xử lý và thanh toán bằng chứng từ giấy tại đơn vị KBNN cấp Huyện với NHTM được duy trì từ trước đến nay.

Với việc điện tử hóa thanh toán và tăng cường khả năng kết nối với các NHTM khác, qua hệ thống TTSPĐT và PHT NSNN, các giao dịch của khách hàng cũng như công tác chi NSNN, thu nộp NSNN qua 4 hệ thống NHTM và KBNN các cấp được đẩy nhanh hơn, chính xác hơn và đơn giản, thuận tiện hơn, dù khách hàng mở tài khoản tại các hệ thống NHTM khác 4 hệ thống nêu trên. Do vậy, ảnh hưởng trực tiếp và đảm bảo quyền lợi của khách hàng, nhà thầu… và nhân dân trong quan hệ giao dịch nói chung với NHTM, KBNN cũng như liên quan đến công tác thu nộp NSNN hoặc thụ hưởng từ NSNN nói riêng. Từ đó góp phần cải cách thủ tục hành chính và tăng cường công tác thanh toán không dùng tiền mặt theo chỉ đạo, chủ trương của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước.

TTSPĐT và PHT nâng cao hiệu quả trong công tác quản lý quỹ ngân sách nhà nước

      TTSPĐT và PHT góp phần điện tử hóa giao dịch và mở rộng khả năng kết nối với các hệ thống khác, từ đó đẩy nhanh quá trình tập trung các khoản thu vào NSNN; khác với việc xử lý, giao nhận và thanh toán bằng chứng từ giấy trước đây, các khoản thu nộp NSNN có thể đến KBNN qua nhiều kênh thanh toán đa dạng, dưới hình thức chứng từ điện tử, tự động và an toàn, kịp thời. Bên cạnh đó, với việc thực hiện giao dịch điện tử có sử dụng chữ ký số theo quy định của Luật Giao dịch điện tử, các thông tin thu NSNN từ các NHTM được đảm bảo toàn vẹn dữ liệu, bảo mật và tự động hóa trong các quy trình xử lý từ NHTM đến KBNN và các cơ quan quản lý thu NSNN, góp phần thuận lợi cho công tác tập trung, hạch toán kế toán các khoản thu NSNN được kịp thời, chính xác; đảm bảo quyền lợi của người nộp thuế. Khách hàng giao dịch, nhân dân có nhiều lựa chọn hơn về kênh thanh toán, được phục vụ nhanh hơn, hiệu quả và chính xác hơn khi giao dịch tại các NHTM về thực hiện nghĩa vụ với NSNN nói riêng cũng như trong các giao dịch với NHTM, KBNN nói chung. Với việc hỗ trợ tập trung kịp thời, chính xác các khoản thu NSNN và chi trả, thanh toán từ NSNN cho đối tượng thụ hưởng được nhanh hơn, hệ thống TTSPĐT và PHT góp phần giúp công tác quản lý quỹ NSNN kịp thời, an toàn và hiệu quả hơn.

TTSPĐT và PHT là bước tiến cải cách công tác quản lý ngân quỹ KBNN, kết hợp chặt chẽ giữa chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ

      Thực hiện chiến lược phát triển KBNN đến năm 2020 và chương trình cải cách quản lý ngân quỹ nhà nước theo hướng an toàn, hiệu quả, KBNN đã triển khai đồng bộ nhiều đề án, cơ chế chính sách trên tất cả các phương diện: (i) hoàn thiện cơ chế chính sách; (ii) xây dựng và triển khai các hệ thống công cụ để phục vụ cho công tác quản lý ngân quỹ nhà; (iii) hoàn thiện tổ chức bộ máy và phát triển nguồn nhân lực phục vụ cho công tác quản lý ngân quỹ nhà nước.

      Song song với việc xây dựng và hoàn thiện khuôn khổ pháp lý, thì việc xây dựng và triển khai hệ thống tài khoản thanh toán tập trung của KBNN là một trong những bước đi đầu tiên cần phải tiến hành để cải cách quản lý ngân quỹ nhà nước theo hướng tập trung tại TW, sử dụng an toàn và hiệu quả. Trong đó, việc triển khai TTSPĐT và PHT là nội dung quan trọng để xây dựng hệ thống tài khoản thanh toán tập trung và hỗ trợ cho các bước cải cách tiếp theo, cụ thể:

      Theo quy trình TTSPĐT và PHT, ngân quỹ nhà nước được từng bước tập trung về trung ương; nâng cao được khả năng thanh khoản của toàn hệ thống KBNN; đồng thời, đáp ứng được đầy đủ các nhu cầu chi tiêu của NSNN và các đơn vị giao dịch. Mặt khác, tập trung được nguồn lực tài chính tại TW, tạo điều kiện xây dựng kế hoạch sử dụng có hiệu quả nguồn lực tài chính này trong giai đoạn tiếp theo.

      Việc triển khai TTSPĐT và xây dựng hệ thống tại khoản thanh toán tập trung tạo điều kiện giúp Bộ Tài chính và Ngân hàng Nhà nước dự báo được nhanh chóng các luồng tiền vào ra của khu vực công để xác định các phương án điều hành chủ động, linh hoạt và có hiệu quả; đồng thời, tăng cường khả năng kiểm soát, dự báo luồng tiền vào ra của Bộ Tài chính và Ngân hàng Nhà nước (thông qua những biến động trên các tài khoản chính của KBNN tại Trung ương), làm cơ sở để điều chỉnh lượng cung cầu tiền trên thị trường phù hợp, đảm bảo sự phối kết hợp chặt chẽ giữa chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ hiện nay cũng như lâu dài.

      Đại diện lãnh đạo các ngân hàng thương mại và lãnh đạo một số KBNN tỉnh, đại diện nhà thầu cũng đã có bài tham luận tại hội nghị. Các đại biểu đều nhất trí với những đánh giá của lãnh đạo KBNN về thành công và lợi ích to lớn mà TTSPĐT và PHT mang lại. Thành công của dự án mang lại những hiệu quả rõ rệt: Hệ thống TTSPĐT và PHT mang lại hiệu quả đầu tư cao, giảm đáng kể chi phí lao động xã hội cho cả KBNN và NHTM, tiết kiệm chi phí điều chuyển vốn giữa các đơn vị KBNN trong hệ thống, tăng tốc độ chu chuyển của đồng tiền, giảm lượng tiền mặt lưu thông ngoài xã hội.

IMG_6992.jpg
Đ/c Viên Văn Dũng – Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ KBNN công bố Quyết định 679/QĐ-KBNN
về việc khen thưởng thành tích trong phối hợp công tác góp phần vào dự án TTSPĐT&PHT

      Tại Hội nghị, đồng chí Viên Văn Dũng – Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ KBNN đã công bố Quyết định 679/QĐ-KBNN về việc khen thưởng thành tích trong phối hợp công tác góp phần vào dự án TTSPĐT&PHT ngân sách Nhà nước giữa KBNN và các ngân hàng thương mại, tặng Giấy khen cho 6 tập thể gồm: Ngân hàng thương mại cổ phần Công thương Việt Nam (Vietinbank); Ngân hàng thương mại cổ phần đầu tư Việt Nam (BIDV); Ngân hàng nông nghiệp và phát triển nông thông Việt Nam (Agribank); Ngân hàng thương mại cổ phần ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) và nhà thầu (Công ty Seatech; Công ty TNHH Hệ thống thông tin FPT – FIS).

IMG_7008.jpg
Tổng Giám đốc KBNN Nguyễn Hồng Hà tặng Giấy khen cho các đơn vị theo Quyết định 679/QĐ-KBNN

      Thay mặt Ban lãnh đạo KBNN, đồng chí Nguyễn Hồng Hà – Tổng Giám đốc KBNN đã kết luận hội nghị. Đồng chí khẳng định: Việc triển khai thành công hệ thống TTSPĐT và PHT là bước tiến quan trọng của KBNN trong việc hiện đại hóa hệ thống thanh toán, cải cách quản lý ngân quỹ và hình thành Kho bạc điện tử theo mục tiêu của Chiến lược phát triển KBNN đến năm 2020. Tổng Giám đốc tin tưởng rằng:Với sự đoàn kết, quyết tâm của cán bộ, công chức hệ thống KBNN, sự quan tâm của Ban Lãnh đạo các NHTM, sự phối hợp, giúp đỡ của các đơn vị, cá nhân có liên quan, hệ thống TTSPĐT và PHT NSNN sẽ phát huy tốt vai trò của mình, góp phần quan trọng vào việc thực hiện nhiệm vụ chính trị, chuyên môn của KBNN cũng như của các hệ thống NHTM.

Tin khác
1 2 3 4 5  ... 





Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Đăng nhập