image banner
Bắc Hà- Điểm đến hấp dẫn
Lượt xem: 136
                 Với khí hậu đặc trưng ôn đới, nhiệt độ trung bình; năm là 19 độ C, mùa hạ dao động từ 14- 27 độ C.  Đã từ lâu, cùng với Sa Pa, khu vực trung và thượng huyện của vùng đất Bắc Hà  đã được biết đến là điểm  du lịch nổi tiếng mát mẻ, trong lành thích hợp để nghỉ ngơi, an dưỡng. Không chỉ vậy tạo hóa đã ban tặng cho vùng đất này nhiều danh lam, thắng cảnh, phong cảnh thiên nhiên tươi đẹp, hùng vĩ. Con người Bắc Hà giàu lòng mến khách. Với 14 dân tộc, trong đó người dân tộc thiểu số ít người chiếm trên 80% dân số, Bắc Hà còn lưu giữ và phát huy nền văn hóa truyền thống dân tộc đậm đà bản sắc nguyên sơ, độc đáo, đặc sắc. Tất cả điều này đã tạo cho Bắc Hà trở thành điểm đến hấp dẫn trong tua du lịch Sài Gòn- Huế- Hà Nội- Sa Pa- Bắc Hà.
                 Không phải ngẫu nhiên mà Bắc Hà nổi tiếng với tên gọi “cao nguyên trắng”. Từ năm 1975, cây mận tam hoa được đem giống về đây trồng, phát triển ở vùng trung tâm huyện, Bắc Hà trở nên nổi tiếng toàn quốc là xứ xở của mận tam hoa. Mùa xuân là mùa hoa mận, mơ, lê nở trắng rộ, tràn ngập khắp cao nguyên hòa lẫn màn sương, khói trắng ngự trị, dưới nền trời xuân mưa phùn lất phất thật đẹp, lãng mạn.. Đó là nguồn gốc của tên gọi “cao nguyên trắng”.  Mùa hạ, quả mận chín đỏ rực khắp thung lũng, nương đồi với những trái mận to, đỏ rực, giòn, thơm ngon nhất nước ta nên sản phẩm mận tam hoa được thu mua, xuất khẩu ra thị trường toàn quốc. Cây mận tam hoa đã khẳng định vị thế trên cao nguyên Bắc Hà, giúp đồng bào xóa nghèo đói, vươn lên. Bởi vậy người dân Bắc Hà rất tự hào về nó. Sắp tới, trong tuần văn hóa du lịch Bắc Hà năm 2009, địa phương tổ chức lễ hội mận tam hoa để tôn vinh, quảng bá sản phẩm này.  Đây còn là xứ sở của cây lá kim, chủ yếu là cây xa mộc quanh năm xanh thắm, những rừng cây sa mộc bao bọc lấy thung lũng trung tâm huyện, dáng cây thẳng đứng, gai nhọn tua tủa, ngọn chọc thẳng trời tựa như “đoàn quân khổng lồ đang ngày đêm đứng gác bảo vệ cao nguyên”. Trên vùng cao nguyên, tạo hóa đã ban tặng cho nhiều danh lam, thắng cảnh thiên nhiên đẹp, hùng vĩ, nên thơ. Nằm ở cửa ngõ Bắc Hà là vùng đất Bảo Nhai, Cốc Ly. Đây là khu vực có khí hậu cận nhiệt đới của Bắc Hà bởi vậy tự nhiên có vẻ đẹp riêng. Vùng đất này gồm thị tứ và các bản vùng cao nằm trên lưng chừng đồi núi và ven con sông chảy thơ mộng, uốn lượn quanh co chảy về xuôi hòa cùng dòng sông xanh và các con suối phụ lưu tạo lên con sông Hồng- sông mẹ đỏ nặng phù sa của tổ quốc. Ngược dòng khám phá sông chảy với bao điều thú vị, hai bên là đồi núi, rừng cây, những nương ngô, ruộng lúa xanh thắm, cảnh đẹp thôn quê thật nên thơ, mộc mạc, đặc biệt từ cầu Bảo Nhai đi xuồng ngược sông chảy đến Cốc ly, du khách được khám phá vẻ đẹp Hang tiên, nét văn hóa độc đáo, đặc sắc của chợ văn hóa Cốc Ly bên dòng sông chảy, làng bản vùng đồng bào dân tộc Dao, Mông, đặc biệt là bản Trung Đô với các danh lam, thắng cảnh như; cây gạo Nàng Niến, hòn đá thề, rùa đá, ao chúa bầu, “thác khăm’...  các di tích lịch sử văn hóa điển hình là đền Trung Đô, thành cổ, súng thần công và ngôi mộ đôi gắn liền với lịch sử đấu tranh bảo vệ biên cương, tổ quốc trước sự xâm lược của giặc phương bắc và sự chống phá của thế lực nhà Mạc do gia quốc công Vũ Văn Mật và tiếp đó là đại tướng quân Hoàng Vần Thùng lãnh đạo, kéo dài ngót 20 năm trời cuối thế kỷ XVIII, với các tục truyền, truyền thuyết vẫn còn được lưu truyền đến nay. Không chỉ vậy đồng bào dân tộc  Tày nơi đây có truyền thống văn hóa đậm đà bản sắc, độc đáo.  Nổi bật là lễ hội lồng tồng, cúng thần nông được tổ chức vào ngày thìn, thường là ngày 15 tết âm lịch, với những làn điệu dân ca tày, hát then, dao duyên, các điệu múa xòe uyển chuyển, quyến rũ trong màn đêm, dưới ánh lửa bập bùng, trong nền nhạc chiêng, trống, kèn hết sức tưng bừng, vui nhộn, quyến rũ..., các trò chơi thể thao dân tộc như đánh đu, ném còn, kéo co... lễ cúng đền... Tiếp giáp Bảo Nhai là vùng cao Nậm Đét với địa hình chủ yếu là đồi, núi. Nơi đây nổi tiếng là xứ xở của quế. Những đồi quế xum xuê, xanh thắm quanh năm, mùa hạ là mùa thu hoạch, quế được bóc vỏ, phơi khô, hương thơm nồng ngào ngạt tỏa khắp đất trời. Xuôi xuống là vùng chè Bản Liền, với những cây chè cổ thụ, sản phẩm chè được chế biến thủ công, chè có hương vị thơm nồng, chất nước xanh hồng đã làm siêu lòng khách yêu thích trà khắp nơi. Không chỉ vậy bản Liền còn được biết đến bởi vẻ đẹp của rừng cọ, những bản người tày với những ngôi nhà sàn xinh xắn .. Khu vực trung tâm huyện lỵ Bắc Hà có những danh lam thắng cảnh thiên nhiên phải kể đến là núi cô tiên, núi 3 mẹ con Tà Chải- nơi tổ chức lễ hội leo núi hấp dẫn hàng năm, hồ sinh thái Na cồ. Ngược lên vùng thượng huyện là các danh lam thắng cảnh thiên nhiên đẹp như rừng sa mộc Lầu Thí Ngài, rừng nguyên sinh và hang rồng Tả Văn Chư, Hang Lùng Phình, thác Sông Lẫm Tả Củ Tỷ, đặc biệt nói đến cao nguyên Bắc Hà là người ta nhớ đến những nương ruộng bậc thang uốn lượn, xếp hình thật đẹp, trong đó phải kể đến khu ruộng bậc thang lầu Thí Ngài, Cốc Ly, Tả Văn Chư, Hoàng Thu Phố...
Với trên 5 vạn dân, thuộc 14 dân tộc, trong đó đồng bào dân tộc thiểu số chiếm 85% dân số. nền văn hóa dân tộc Bắc Hà đậm đà bản sắc truyền thống, nguyên sơ, độc đáo, điển hình là văn hóa dân tộc Mông, Tày...  Cũng như ở vùng Trung Đô, đồng bào  dân tộc  Tày khu vực trung tâm huyện Bắc Hà sống tập trung chủ yếu ở các xã Tả Chải và Na Hối,  truyền thống văn hóa đậm đà bản sắc, độc đáo.  Điệu xòe trong lễ hội lồng tồng của người tày nơi đây theo thời gian đã được bảo tồn, lưu giữ và phát huy, qua thực tiễn, bằng khối óc sáng tạo  đã tạo nên những điệu xòe mới, như xòe ô, xòe quạt, xòe địu... các làn điệu hát then, dân ca thắm thiết... đã quyến rũ du khách thập phương và múa xòe đã trở thành hoạt động phục vụ khách du lịch thường xuyên mỗi tuần. Bên cạnh đó còn lễ hội cúng rừng với những nét văn hóa độc đáo riêng. Ngoài ra đồng bào dân tộc Tày nơi đây còn lưu giữ, bảo tồn, duy trì các môn thể thao dân tộc của mình như đua ngựa, ném còn, kéo co. Văn hóa ẩm thực đa dạng với nhiều đặc sản ngon như cốm, xôi 7 màu, bánh dày, lợn cắp nách, lạp sườn, phở chua, thắng cố ngựa, dê, trâu, lợn, bò...
Đồng bào dân tộc Mông ở Bắc Hà chiếm 47,%  dân số, chủ yếu tập trung ở xã Bản Già, Lùng Cải, Tả Văn Chư, Lùng Phình, Hoàng Thu Phố, Bản Phố. Nghề nông là nghề chính, chủ yếu là làm ruộng bậc thang, trồng ngô, đậu tương và nấu rượu ngô đặc sản. Nằm tiếp giáp trung tâm huyện lỵ, Bản phố là  xã có 100% dân số là người Mông và cũng là nơi có nền văn hóa dân tộc Mông đậm đà bản sắc, còn lưu giữ được nét nguyên sơ truyền thống độc đáo. Đã từ lâu Bản Phố nổi tiếng trong và ngoài nước với thương hiệu rượu ngô đặc sản được nấu bằng hạt ngô đỏ địa phương với men lá cây hồng và nước tự nhiên lấy trong mạch, khe đá, chưng cất ra rượu ngô đặc sản tinh khiết, màu nước trong vắt, hương thơm nồng quyến rũ, mê say du khách. Hầu hết các hộ dân ở đây đều nấu rượu, phát triển thành nghề nấu rượu ngô và đây cũng là nguồn thu lớn nhất của họ. Đồng thời đồng bào Mông Bản Phố còn phát triển nghề đúc lưỡi cày, thêu dệt thổ cẩm.
Nói đến vùng đồng bào Mông nổi bật nhất là rẻo cao Tả văn Chư không chỉ có Người Mông Bản Phố thờ cúng tổ tiên, lễ hội gầu tào là lễ hội lớn nhất trong năm do 1 gia đình hay 1 dòng họ đứng ra tổ chức nhằm cầu tự, cầu sinh con cái như ý, mạnh khỏe, chữa bệnh tật, không ốm đau. Trong lễ hội diễn ra các trò chơi dân gian như múa khèn, bắn nỏ, ném pao, kéo co, đánh quay,  ném còn, hát dân ca Mông, thổi sáo, khèn môi gọi, tâm sự với bạn tình, múa xênh tiền, võ tay không... thật tưng bừng, sôi động, vui nhộn. Ngoài ra còn tổ chức lễ cúng rừng vào ngày mùng 2 tháng 2 âm lịch, nhằm cầu thần rừng che chở cho họ thuận lợi trong công việc làm ăn, sản xuất...Nhà tường trình đất, lợp rơm (ngói) là nhà truyền thống của người Mông nay vẫn được lưu giữ, thích nghi, phù hợp với vùng cao, khí hậu mang tính chất ôn đới, mùa đông tránh rét, mùa hạ mát mẻ. Văn hóa ẩm thực đa dạng, độc đáo với các món ăn đặc sản thắng cố ngựa, dê, trâu, lợn, bò, gà đen (gà ô kê hay gà thuốc), bánh dày, gà thả đồi rừng, canh gà gừng, thịt lợn treo hun khói, mèn mén... Với những nét đẹp văn hóa dân tộc đặc sắc, độc đáo, nguyên sơ, truyền thống , vùng đồng bào dân tộc Tày Trung Đô, Na Hối, Tả Chải và vùng đồng bào dân tộc Mông vinh dự được chọn là điểm tổ chức chương trình du lịch khám phá vẻ đẹp văn hóa làng bản. Chợ vùng cao Bắc hà vừa được xây dựng mới trên nền chựo cũ, nằm ở trung tâm huyện lỵ, cạnh hồ sinh thái Na Cồ. Đây là nơi trao đổi, buôn bán hàng hóa, giao lưu văn hóa các dân tộc, người dân đi chợ không chỉ mua bán mà đến đây để tìm bạn, trai gái tìm nhau tỏ tình, hàn huyên, kết duyên. Chợ Bắc Hà có bán đầy đủ hàng nông sản của địa phương, hàng tạp hóa, thực phẩm, hàng tiêu dùng hiện hành, nét độc đáo, đặc sắc nổi bật nhất là có từng khu chợ riêng bán rượu ngô đặc sản, khu bán hàng thổ cẩm đẹp rực rỡ sắc màu, khu chợ bán gia súc; chợ trâu, ngựa, đặc biệt tưng bừng vui nhộn nhất là khu ẩm thực, hàng bán thắng cố. Có thể nói đây là hình ảnh thu nhỏ của Bắc Hà. Với những nét đẹp văn hóa đó chợ văn hóa Bắc Hà đã trở thành điểm đến hấp dẫn khách du lịch. Đây cũng là điểm tổ chức hội chợ thương mại - du lịch và văn hóa ẩm thực trong tuần văn hóa du lịch Bắc Hà năm 2009. Ở trung tâm huyện lỵ còn có đền Bắc Hà thờ gia quốc công Vũ Văn Mật- di tích văn hóa- lịch sử quốc gia, dinh thự cổ Hoàng A Tưởng nổi tiếng đã được khôi phục, tôn tạo- nơi trưng bày, triển lãm về du lịch Bắc Hà, khu quảng trường sân vận động mới tổ chức các hoạt động văn hóa- văn nghệ, thể dục- thể thao dân tộc, lễ hội mận tam hoa và đặc biệt trong tuần văn hóa du lịch, huyện Bắc Hà tổ chức lễ hội đua ngựa truyền thống, lễ hội biểu diễn trang phục dân tộc... Với phong cảnh thiên nhiên tươi đẹp, hùng vĩ, những triền văn hóa dân tộc đậm đà bản sắc truyền thống đặc sắc, nguyên sơ, độc đáo được tái hiện trong tuần văn hóa du lịch Bắc Hà và các di tích văn hóa- lịch sử vô giá, Bắc Hà thực sự là điểm đến hấp dẫn cho du khách khám phá./.
Tráng Xuân Cường
Đài Truyền thanh - Truyền hình huyện Bắc Hà
 
Tin khác
1 2 3 4 5  ... 





Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Đăng nhập