image banner
Bắc Hà (Lào Cai): Nhiều giải pháp duy trì công tác phổ cập giáo dục
Lượt xem: 129

Là một huyện vùng cao, khó khăn trong tỉnh, hầu hết các xã trong huyện đều thuộc diện đặc biệt khó khăn, tỷ lệ đói nghèo còn cao chiếm tới gần 50%, nhiều tập tục lạc hậu ở các xã vùng cao chưa được khắc phục triệt để như tảo hôn... đã tạo nên không ít khó khăn cho công tác giáo dục nói chung cũng như phổ cập giáo dục nói riêng. Xác định công tác phổ cập giáo dục là nhiệm vụ trọng tâm nên UBND huyện đã chỉ đạo sát sao, cụ thể về công tác này. Ông Hoàng Thế Dũng – Phó chủ tịch UBND huyện, Trưởng ban chỉ đạo Phổ cập giáo dục huyện cho biết: Trong những năm gần đây, từ huyện đến các xã, thị trấn đều thành lập các ban chỉ đạo và phân công nhiệm vụ cụ thể cho các thành viên; hằng tháng có kiểm tra đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ của mỗi thành viên. Đồng thời, tổ chức kí cam kết trách nhiệm giữa UBND các xã với UBND huyện về phát triển sự nghiệp giáo dục của xã. Coi việc xếp loại phong trào giáo dục xã là một tiêu chí đánh giá thi đua của cấp uỷ, chính quyền địa phương trong năm. Bên cạnh đó, ngành giáo dục của huyện đã phát huy nội lực với nhiều giải pháp chuyên môn để nâng cao chất lượng dạy và học. Với phương châm chỉ đạo của các cấp ủy, chính quyền, các đoàn thể xã hội là “ ráo riết, trực tiếp và cụ thể”. Cùng với đó, các ban ngành, đoàn thể, Mặt trận tổ quốc các cấp, nhiều tổ chức, cá nhân đã tham gia tích cực và có hiệu quả vào công tác giáo dục. Nhân dân các dân tộc trên địa bàn huyện đã hiểu và quan tâm hơn đến quyền lợi và nghĩa vụ học tập của con em mình; tự giác, tạo điều kiện cho con em đến trường, tích cực tham gia các hoạt động xây dựng nhà trường. Bằng những việc làm cụ thể, thiết thực, đến nay huyện đã duy trì vững chắc 21/21 xã đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học- chống mù chữ. Chất lượng, độ bền vững của phổ cập được nâng lên, trong đó độ tuổi từ 6-14 tuổi ra lớp đạt 99,8%, 14 tuổi hoàn thành chương trình tiểu học đạt 99,6%, về phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi: Năm 2008, 21/21 xã, thị trấn đã duy trì tốt đạt chuẩn trong đó huy động trẻ 6 tuổi vào lớp 1 đạt 99,47%, trẻ 11 tuổi hoàn thành chương trình tiểu học đạt 92,3%, 100% các trường đã tổ chức cho học sinh học 2 buổi trên ngày. Tỉ lệ giáo viên đạt chuẩn trở lên chiếm 98,9%, trong đó có 23,6% đạt trên chuẩn. Về phổ cập giáo dục Trung học cơ sở, huyện đã duy trì đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học- chống mù chữ và phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi, tổng số học sinh lớp 9 tốt nghiệp trung học cơ sở năm qua đạt tỉ lệ 100%, tổng số đối tượng trong độ tuổi từ 15 đến 18 có bằng tốt nghiệp THCS đạt 84,27%. Có thể thấy, công tác phổ cập của huyện đã đạt được mục tiêu đặt ra song để đảm bảo tính bền vững cho những năm tiếp theo, còn nhiều mặt cần phải tiếp tục đẩy mạnh. Một số xã như Lùng Cải, Cốc Ly, Bản Già, tỷ lệ học sinh 15-18 tuổi tốt  nghiệp THCS còn thấp, học sinh học bổ túc văn hoá chưa đạt chỉ tiêu huy động. Chất lượng văn hoá còn nhiều hạn chế đặc biệt ở các lớp bổ túc văn hoá và ở trường vùng xa, vùng sâu. Với mục tiêu đến năm 2010, 100% các xã, thị trấn trên địa bàn huyện đều duy trì PCGD TH ĐĐT và đạt chuẩn phổ cập THCS. Huyện đã đề ra nhiều nhiệm vụ và các giải pháp cụ thể. Trong đó chú trọng vào việc nâng cao năng lực chỉ đạo, quản lý và tổ chức thực hiện nhiệm vụ PCGD; nâng cao chất lượng và hiệu quả; củng cố và phát triển mô hình nội trú dân nuôi; tăng cường về cơ sở vật chất và đẩy mạnh công tác xã hội hoá giáo dục trong mọi tầng lớp nhân dân.     

Có thể khẳng định, với sự chỉ đạo sát sao của các cấp, các ngành cùng với việc phát huy tốt nội lực của ngành giáo dục và ủng hộ của nhân dân các dân tộc trong huyện. Công tác, nhiệm vụ phổ cập giáo dục trên vùng cao Bắc Hà đã và đang đem lại những hiệu quả thiết thực, góp phần cùng Đảng bộ, chính quyền thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội của địa phương trong giai đoạn hiện nay./.

Nguyễn Ngọc Thuỷ

Đài Truyền thanh - Truyền hình huyện Bắc Hà

Tin khác
1 2 3 4 5  ... 





Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Đăng nhập