image banner
Cuộc sống mới ở Bản làng La Chí
Lượt xem: 81

            Người La Chí ở huyện Bắc Hà chiếm một phần dân số rất nhỏ trong cộng đồng 14 dân tộc anh em trên địa bàn huyện.  Những năm qua, đời sống vật chất, tinh thần của người dân La Chí  đã được nâng cao hơn, những nét đẹp văn hoá truyền thống được giữ gìn và phát triển. Với bản chất cần cù, chịu khó, tinh thần đoàn kết cùng với những chính sách đầu tư của Đảng và Nhà nước đã và đang tạo nên một cuộc sống mới ở Bản làng La chí trên cao nguyên Bắc Hà. 

 Theo số liệu thống kê của huyện: Người La chí ở Bắc Hà có khoảng 300 người tập trung sinh sống chủ yếu ở 4 thôn xã Nậm Khánh. Trong đó, tập trung nhiều nhất ở thôn Nậm Táng với 19 hộ 127 nhân khẩu. Vượt qua quãng đường dài gần 30km chúng tôi có mặt tại UBND xã Nậm Khánh. Khi biết chúng tôi có ý định đến thôn Nậm Táng của người La Chí, đồng chí Phàn văn Dồn phó chủ tịch UBND xã cho biết: Mặc dù đã có đường giao thông liên thôn, nhưng bây giờ là mùa mưa, đường trơn, dễ bị sạt lở, cách duy nhất để đến thôn lúc này là đi bộ. Theo bước chân anh Dồn, chúng tôi có mặt tại thôn Nậm Táng sau gần 2h đồng hồ vượt dốc, lội suối… Lúc này, trời đã  sắp tối. Khi biết có khách lạ đến, bà con dân tộc La Chí nơi đây  vui mừng đón tiếp và chiêu đãi  bằng  một loại bánh đặc biệt có tên gọi “bánh bột gói lá”.  Được biết; Đây là loại bánh mà chỉ khi lễ, tết hoặc những dịp đặc biệt thì bà con mới làm.  Như vậy mới biết, người dân tộc vùng cao thân thiện và thật hiếu khách !  Buổi tối, bên bếp lửa hồng, chúng tôi được các cụ cao niên trong bản kể cho nghe về quá trình hình thành bản làng La chí  ở Bắc Hà: Người La Chí  ở Nậm Khánh đến từ  vùng đất Hoàng Su Phì - Tỉnh Hà Giang cuối những năm 1975 .  Ban đầu chỉ có vài hộ, đến nay sau hơn 40 năm định cư  đã có gần 50 hộ sinh sống ở 4 thôn bản. Những câu chuyện bên bếp lửa, khung dệt và  hương vị là lạ của chiếc bánh “bột gói lá” giúp  tôi biết  thêm được nhiều điều về người La Chí trên chính quê hương mình,  mà lâu nay,  tôi chỉ biết sơ sơ qua sách báo, phương tiện truyền thông.

Một ngày mới bắt đầu, bản La chí hiện ra. Đẹp và yên bình như bao làng quê miền núi khác. Lúc này tôi mới có dịp được chiêm ngưỡng một quần thể kiến trúc gia đình độc đáo của người La chí.  gồm nhà sàn - nhà trệt và kho thóc tất cả được bố trí  hài hoà và độc đáo. Kiểu kiến trúc kết hợp chặt chẽ giữa nhà sàn và nhà trệt là một sáng tạo. Mỗi nhà gồm 2 phần bằng nhau, phần nhà sàn để ở, phần nhà trệt là nơi làm bếp. Người La Chí dậy từ rất sớm, khi gà gáy chưa đến hồi thứ 2 thì hầu như cả làng đã thức dậy và bắt đầu công việc thường ngày. Xuống bếp của Người La Chí tôi mới biết; Họ có cách nấu cơm bằng hơi nước rất độc đáo. Cơm nấu trong chảo to, cơm sôi thì vớt lên cho vào chõ đồ như sôi. Cơm dỡ ra không bị nát mà khô dẻo nhờ được đồ chín bằng hơi nước nóng.  Cả bản chỉ duy nhất có nhà anh Vương Chiến Thanh có máy xay sát tuy nhiên máy đã bị hỏng từ 2 tháng nay nên người dân trong bản  phải làm thay máy bằng phương pháp truyền thống:   Dùng cối giã gạo, có lẽ những hình ảnh này, giờ đây chỉ có thể bắt gặp được ở những vùng núi cao và xa xôi như ở bản làng La chí. Thường thì công việc giã gạo bắt đầu từ 5h đến khoảng 7h sáng. Sau đó người dân lại lên nương, xuống ruộng, vào rừng với công việc hàng ngày. Trên khắp bản làng La Chí đi đâu cũng gặp những mảnh ruộng bậc thang, nhìn từ trên cao ruộng lúa của người La Chí đẹp  như  một bức tranh  thuỷ mạc.  Theo truyền thống,  người La Chí rất giỏi nghề khai khẩn và làm ruộng bậc thang, trồng lúa nước. Người La Chí cũng có những cách gặt lúa độc đáo, thường thì họ gặt lúa nếp bằng hái nhắt, còn gặt lúa tẻ bằng liềm, đập thóc vào máng gỗ, lấy thóc ngay ở ngoài ruộng và dành những bông lúa nếp tốt nhất để treo lên trần nhà dành cho những dịp lễ tết, lễ hội. Người La chí ở Bắc Hà sống rất đoàn kết, họ thường giúp đỡ nhau trong mọi hoạt động, đặc biệt khi bước vào mùa vụ, cả làng lại tập trung đến từng ruộng lúa, nương ngô để cùng nhau lao động sản xuất. Nhờ tinh thần đoàn kết và  chính sách đầu tư của Đảng và Nhà nước nên cuộc sống hôm nay của người La chí đã khác xưa rất nhiều.

            Cuộc sống đã khác xưa nhiều rồi, đấy cũng là lời nói của nhiều người dân nơi đây khi  gặp. Tuy vẫn còn có nhiều khó khăn, song người dân ở đây đã có ti vi để xem, một số gia đình đã mua sắm được xe máy để đi lại. Đặc biệt tại thôn đã được đầu tư xây dựng phân hiệu trường tiểu học thôn Nậm Táng. Để thực sự phát huy tinh thần đoàn kết trong nhân dân. Bản làng La Chí  đã xây dựng qui ước, hương ước phù hợp với chính sách pháp luật của Đảng, Nhà nước, được nhân dân đồng tình hưởng ứng. Sau mỗi tuần lao động sản xuất bà con trong thôn lại cùng nhau trao đổi kinh nghiệm, cách thức làm ăn phát triển kinh tế. Không chỉ là những buổi họp thôn đây còn là dịp gắn bó thêm tinh thần đoàn kết cho người dân trong thôn thông qua các lời hát, các tiết mục biểu diễn văn nghệ. Người La Chí thường hát Ni Ca với nhạc cụ chỉ đơn giản là đàn tính 3 giây. Lồng gắn trong mỗi buổi sinh hoạt, các cán bộ thôn đều đề cập đến các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước để xây dựng nông thôn mới và từng bước đẩy lùi các hủ tục lạc hậu. Đặc biệt, trong khi ở Bắc hà tình trạng sinh con thứ 3 đang có chiều hướng gia tăng thì tại bản La chí người dân đã có ý thức rất rõ trong việc thực hiện các biện pháp kế hoạch hoá gia đình. Do vậy, tỷ lệ sinh con thứ 3 của người La Chí không nhiều.

            Bên cạnh việc chú trọng làm ăn phát triển kinh tế, người la chí ở Bắc Hà còn gìn giữ và phát huy được những nét đẹp văn hoá truyền thống.  Biểu tượng  của người La Chí trong thờ cúng chính là con Trâu bởi theo người La chí con trâu thể hiện sức mạnh, đem lại sự may mắn và là phương tiện hỗ trợ sản xuất đắc lực trong sản xuất nông nghiệp. Vì vậy, trong các ngày lễ cúng họ thường cầu mong thần linh phù hộ cho mùa màng tươi tốt, bội thu, người dân được ấm no hạnh phúc. Ở bản làng La Chí tôi mới nhận ra một điều rất khác đó chính là Người Phụ nữ La Chí. họ rất chăm chỉ trong cuộc sống. Ngoài những lúc bận rộn trên nương ruộng họ thường tranh thủ bất kể thời  gian nào trong ngày để khâu áo, may vá cho cả gia đình. Người phụ nữ La Chí có nghề rất độc đáo là dệt vải, nhuộm chàm, may áo cho tất cả các thành viên trong gia đình, thường thì họ dành những mảnh nương tốt nhất để trồng bông lấy sợi dệt áo. Mặc dù, nằm cách xa nhà đến nửa ngày đường đi bộ những đất trồng bông vẫn phải là những mảnh đất tốt nhất, sau khi thu hoạch bông phụ nữ La chí thường tranh thủ vào những buổi tối hay trời mưa không thể đi làm được để ở nhà kéo bông, dệt vải. Họ cũng không thể nhớ được để làm nên một bộ quần áo của dân tộc mình phải mất bao lâu thời gian bởi họ chỉ tranh thủ làm vào những buổi tối, những lúc nông nhàn hay khi trời mưa không thể đi làm được. Tuy nhiên khi hoàn thành một bộ quần áo đã tạo nên những nét rất riêng biệt trong trang phục của người La chí:  Bộ y phục của phụ nữ La chí là váy kèm theo chiếc áo dài tứ thân, xẻ giữa , yếm thêu, thắt lưng bằng vải. vào dịp lễ tết người ta còn diện ba chiếc áo dài lồng vào nhau. Nữ giới quấn khăn đội đầu dài gần 3m, Màu tràm đen rất được ưa thích, nữ đeo vòng tai, vòng tay. Còn trang phục cuả đàn ông thường đơn giản hơn, đàn ông mặc áo dài năm thân, cài khuy bên nách phải, đội khăn cuốn hoặc khăn xếp. Hiện nay, người La Chí vẫn luôn gìn giữ và phát huy giá trị văn hoá trong trang phục truyền thống của dân tộc mình, góp phần tạo nên một bức tranh phong phú đa rạng mang đậm nét văn hoá  trong cộng đồng 14 dân tộc anh em đang sinh sống trên địa bàn huyện Bắc Hà.

            Cuộc sống của người La Chí ở bản Nậm Táng Bắc Hà đang đổi thay từng ngày, người dân đã biết khai hoang ruộng đất, đưa các cây con giống mới  vào gieo trồng đem lại hiệu quả kinh tế cao. Đặc biệt, với tinh thần đoàn kết của người dân nơi đây trong mọi mặt của đời sống xã hội người La Chí đã có sự phát triển. Trong sự phát triển chung đó, người dân La chí đã luôn giữ gìn và phát huy được những giá trị văn hoá truyền thống tốt đẹp. Đó chính là những động lực quan trọng để người dân nơi đây từng bước vượt lên trong cuộc sống thoát khỏi đói nghèo. Tuy nhiên, bên cạnh sự phát triển đó, người dân La Chí vẫn đang rất cần sự quan tâm đầu tư hỗ trợ của Nhà Nước.

            Tạm biệt những người dân La Chí ở bản Nậm Táng- Vẫn biết nơi đây còn gặp nhiều khó khăn nhưng với những chính sách lớn của Đảng và Nhà nước luôn ưu tiên, đầu tư  phát triển kinh tế cho những vùng đồng bào dân tộc thiểu số và với những người dân chăm chỉ, cần cù, tinh thần đoàn kết cao của một dân tộc ít người trên địa bàn huyện. Chúng tôi tin rằng, bản làng La chí Nậm Táng sẽ đổi thay trong một ngày không xa./.

Nguyễn  Ngọc Thuỷ

Đài TT-TH Bắc Hà

Tin khác
1 2 3 4 5  ... 





Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Đăng nhập