image banner
Nét đẹp trong tục tập quán bảo vệ rừng trên vùng cao Bắc Hà ( Lào Cai)
Lượt xem: 158

Là một huyện vùng cao của tỉnh Lào Cai, với 14 dân tộc anh em cùng sinh sống, mỗi dân tộc có phong tục tập quán khác nhau, tính cộng đồng trong bảo vệ rừng đã có từ lâu hình thành nên những tập quán tốt đẹp như  tổ chức hội ăn thề bảo vệ rừng hằng năm, xây dựng qui ước, hương ước về quản lý các khu rừng đã góp phần vào quản lý, bảo vệ tài nguyên thiên nhiên cũng như bảo tồn đa dạng sinh học trên vùng cao Bắc Hà.

Qua điều tra, thống kê các thông tin về rừng cộng đồng cho thấy, huyện Bắc Hà hiện có 88 thôn/20 xã có diện tích rừng cộng đồng do cộng đồng thôn bản bảo vệ với tổng diện tích 86,25ha. Diện tích được bảo vệ là rừng tự nhiên và có vị trí gần với cộng đồng thôn bản. Trước đây, trên địa bàn huyện có khá nhiều phương thức quản lý rừng cộng đồng ( như rừng thiêng, rừng ma, lùm cây thiêng, rừng bảo vệ nguồn nước của thôn bản, rừng của dòng họ, đồng cỏ phục vụ chăn thả gia súc, hệ nương rẫy bỏ hoá…..) nhưng trong vài thập niên gần đây các phương thức quản lý đó đã thay đổi hoặc mất đi. Hiện nay, các khu rừng cộng đồng chủ yếu là rừng do cộng đồng dân cư thôn tự quản lý, bảo vệ nối tiếp nhau qua nhiều đời. Hầu hết các phương thức quản lý tài nguyên rừng bản địa và cổ truyền công cộng đều hướng vào việc bảo vệ tài nguyên rừng. Rừng cộng đồng còn bảo vệ nguồn nước của thôn bản, cung cấp nước cho các hệ thống tưới tiêu. Ngoài ra, rất nhiều rừng cộng đồng còn cung cấp được hàng loạt đầu vào cơ bản, không phải trả tiền cho các hộ gia đình ở địa phương, ví dụ như củi và gỗ nhỏ, thức ăn gia súc, phân xanh, hoa quả và dược liệu…..Các khu rừng cộng đồng ở một số địa phương do cộng đồng thôn bản có 01 dân tộc sinh sống quản lý như: Rừng cấm của cộng đồng dân tộc H’Mông thôn Ngài Ma – xã Thải Giàng Phố; Rừng cấm của cộng đồng dân tộc Tày thôn Sảng Mào Phố xã Tả Củ Tỷ…..Hoặc có nhiều dân tộc sinh sống gần nhau, có cùng chung về khu vực đất đai, cùng chung nguồn nước quản lý như : Rừng thờ cúng của cộng đồng dân tộc Dao và La Chí ở thôn Nậm Khánh xã Nậm Khánh; Rừng cấm của cộng đồng dân tộc H’Mông và Nùng ở thôn Nậm Mòn xã Nậm Mòn……Đối với đồng bào các dân tộc ở Bắc Hà hiện nay đều cho rằng: Việc tổ chức bảo vệ và cúng rừng xuất phát từ những niềm tin, tín ngưỡng của người dân vào rừng, thần rừng. Người H’Mông, Tày, Nùng, La Chí, Phù Lá và một số dân tộc trên địa bàn huyện tin rằng trong rừng có “ Lồng” có nghĩa là có “ Rồng”, “Lồng” là một đấng anh linh có thể giúp cho người dân tai qua nạn khỏi, mùa màng tươi tốt, gia súc không bị bệnh. Họ tin rằng “ Lồng” thường trú ngụ ở một cây to nhất trong khu rừng tốt nhất của thôn bản. Chính vì vậy, họ thường tổ chức “ Nào Lồng “ ngay tại gốc cây to này. Ngoài “Lồng” người H’Mông còn thờ “ Thứ tỷ” ( Có nghĩa là đá mẹ), thường được cúng ở hòn đá lớn trong rừng. “Lồng” và “ Thứ tỷ” theo người H’Mông đó là 2 anh em, là đại diện cho trời và đất phù hộ cho con người. Còn cộng đồng người Dao của huyện lại tin rằng trong rừng có “Miên” ( nghĩa là “ma”) và cũng giống như người H’Mông, dân tộc Dao tin rằng “ Miên” có thể giúp người dân có được mùa màng tươi tốt, tai qua nạn khỏi. Xuất phát từ những niềm tin, tín ngưỡng như trên, hằng năm cộng đồng người dân tộc trên địa bàn huyện đều tổ chức lễ hội “ Nào Lồng”; “ cúng ma bảo vệ rừng”… để tỏ lòng biết ơn đến các vị thần rừng, cầu mong tai qua nạn khỏi, làm ăn gặp nhiều may mắn cho các hộ gia đình trong thôn bản. Điều đặc biệt đối với các lễ hội cúng rừng này là ngoài việc cúng thần linh nó còn được xem như một cuộc họp tổng kết hằng năm của thôn bản. Tất cả những việc liên quan đến thôn ( kể cả quản lý, bảo vệ và phát triển rừng) đều được đem ra trao đổi và thống nhất. Có thể thấy, các qui định về quản lý, bảo vệ rừng được người dân trong cộng đồng tuân thủ một cách nghiêm ngặt. Những khu rừng cộng đồng và những diện tích rừng khác giao cho cộng đồng quản lý hầu như không bị xâm hại, chặt phá nên rừng ngày càng phát triển hơn. Bên cạnh đó, cộng đồng các dân tộc tại Bắc Hà có truyền thống gắn bó lâu dài đối với rừng, rừng đã mang lại nhiều lợi ích thiết thực cho họ. Vì vậy, nếu phát huy tốt vai trò của họ sẽ tạo thêm sức mạnh đối với công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng, phục vụ trước hết cho lợi ích cộng đồng. Đồng thời, góp phần quan trọng vào phát triển kinh tế, xã hội ở địa phương, bảo đảm phòng hộ môi trường, an ninh chính trị, quốc phòng…. Ngoài ra việc tổ chức để cúng rừng sẽ giúp cho mối quan hệ giữa người dân trong thôn bản gắn bó. Tính cộng đồng, tính đoàn kết và tính tương thân, tương ái ngày càng được nâng cao. Trên cơ sở phát huy những nét đẹp trong phong tục tập quán, truyền thống của đồng bào các dân tộc sẽ là một lợi thế giúp cho việc quản lý bảo vệ và phát triển rừng trên vùng cao Bắc Hà được thuận lợi hơn, hướng tới nâng tỉ lệ độ che phủ rừng của huyện lên trên 50% vào năm 2010./.

Nguyễn Ngọc Thuỷ

Đài Truyền Thanh - Truyền Hình Huyện Bắc Hà

Tin khác
1 2 3 4 5  ... 





Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Đăng nhập