image banner
Trại rau quả Bắc Hà trồng khảo nghiệm thành công cây lê tai nung Đài loan mở ra hướng phát triển cây ăn quả mới cho bà con nông dân
Lượt xem: 123
Những năm gần đây, huyện Bắc Hà đặc biệt quan tâm, chú trọng đến công tác nghiên cứu trồng khảo nghiệm các loại giống mới, chọn lọc những giống tốt có hiệu quả  kinh tế cao nhân rộng trong nhân dân. Cây lê tai nung là một trong những cây ăn quả được huyện đưa vào trồng khảo nghiệm trong 6 năm qua, đến nay, đã cho những kết quả tích cực. Những thành công đó mở ra hướng phát triển cây ăn quả mới trên vùng cao Bắc Hà, giúp bà con nông dân các dân tộc nhanh chóng thoát khỏi đói nghèo  vươn lên làm giàu.

Từ tháng 8 năm 2002, 13 cây lê tai nung Đài loan, được đưa về trại rau quả Bắc Hà trồng thử nghiệm. Sau 6 năm, kết quả cho thấy cây lê tai nung phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng khí hậu Bắc Hà, sinh trưởng và  phát triển tốt, cho năng suất cao, ít sâu bệnh, trọng lượng quả trung bình từ 400- 500g, quả  thơm ngon, ngọt mát. So với các loại cây ăn quả khác ở Bắc Hà thì cây lê tai nung Đài loan cho giá trị kinh tế cao hơn hẳn.

Để tìm hiểu kỹ hơn về giống cây ăn quả mới này, chúng tôi đến thăm Trại rau quả Bắc Hà vào những ngày cuối tháng 6, khi những quả lê đang chuẩn bị cho thu hoạch. Đến đây được nghe anh Đặng Hồng Quân - trưởng trại rau quả Bắc Hà giới thiệu, mới thấy được hết những giá trị thực của loại cây ăn quả này.  Với đặc điểm là cây ưa khí hậu lạnh, phát triển tốt ở độ cao từ 750m so với mực nước biển trở lên, được lai tạo ghép trên các cây bản địa nên khả năng thích nghi về các điều kiện tự nhiên của vùng rất tốt. Cây Lê tai nung còn có ưu điểm ra hoa muộn hơn cây đào và mận, vì thế tránh được thời điểm rét đậm trong tết, thời gian thu hoạch vào tháng 7 sau khi thu hoạch đào và mận Bắc Hà, và chín trước lê địa phương  khoảng 15 ngày.

Hiện nay Trại rau quả Bắc Hà có trên 800 cây mẹ đang được đội ngũ cán bộ, công nhân làm cỏ, phòng trừ sâu bệnh và theo dõi sát sao quá trình sinh trưởng phát triển của cây, tuân thủ nghiêm ngặt những yêu cầu cơ bản về kỹ thuật chăm bón, canh tác. Đồng thời tiếp tục chăm sóc 3 vạn gốc ghép  để đến thời vụ nhân giống.

Có thể nói mô hình cây lê tai nung đang dần khẳng định được tính ưu việt. Tuy nhiên hiện nay cũng mới chỉ dừng lại ở việc “thử nghiệm”. Còn trên thực tế mô hình này có trở thành một trong những cây thế mạnh và phát triển thành vùng chuyên canh hàng hoá hay không vẫn còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố như: công tác đầu tư chăm sóc theo quy trình kỹ thuật của người dân, việc quy hoạch và sử dụng quỹ đất trồng hợp lý, vấn đề theo dõi tình hình sâu bệnh, diễn biến bất thường của thời tiết… tất cả đang được tỉnh và huyện đặc biêt quan tâm.

Để cây lê tai nung thực sự phát triển thành vùng cây hàng hoá có giá trị kinh tế cao, đòi hỏi các cấp, các ngành cần quan tâm đến công tác hướng dẫn tập huấn kỹ thuật trồng, canh tác, chăm sóc cho người dân một cách bài bản. Bởi đây là một khâu quan trọng, quyết định đến năng suất, chất lượng và hiệu quả kinh tế của cây lê tai nung. Đồng thời làm cơ sở để xây dựng thương hiệu , quảng bá sản phẩm trong tương lai. Mặt khác, để có thể thay thế được các loại cây ăn quả ở địa phương có năng suất, hiệu quả kinh tế thấp, người dân phải tuân thủ nghiêm ngặt các yêu cầu cơ bản về giống, khoa học kỹ thuật, khâu chăm sóc và đặc biệt cần phải tập trung quy hoạch trồng ở những vùng khí hậu lanh, độ cao từ 750m so với mực nước biển trở lên. Mỗi hộ dân chỉ nên trồng từ 1 – 2 ha thành những vùng tập trung, đặc biệt chú ý công tác chăm sóc, bảo quản ngay từ những ngày đầu đối với sản phẩm… Có như vậy, mô hình cây ăn quả này, mới trở nên thiết thực với người dân, phát huy được thế mạnh,  cùng với cây mậm tam hoa sẽ trở thanh những cây chủ lực giúp bà con nông dân trong huyện xoá đói giảm nghèo vươn lên làm giàu./.

Nguyễn Chí Thức

Đài TT - TH Bắc Hà

Tin khác
1 2 3 4 5  ... 





Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Đăng nhập