image banner
Đoàn kết đưa sự nghiệp giáo dục Bắc Hà lên tầm cao mới
Lượt xem: 406
Nằm ở phía Đông Bắc của tỉnh có nhiều đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, Bắc Hà là một trong các địa phương có truyền thống hiếu học.

Trong lịch sử, cùng với việc giao lưu văn hoá, kinh tế với các địa phương và vùng bên kia biên giới, từ xa xưa nhiều gia đình khá giả người Dao, người Tày, người Hoa đã từng nuôi thầy dạy chữ cho con em. Thời Pháp thuộc, phố Bắc Hà đã có lớp tiểu học dạy chữ Pháp, chữ Hán cho con em thổ ty, lên lớp trên chúng đưa ra tỉnh học và lên cao nữa được đưa về trường Bưởi (Hà Nội) để đào tạo. Sau ngày giải phóng, trong điều kiện kinh tế còn khó khăn, lại tập trung chỉ đạo tiễu phỉ, nhưng Ban cán sự Đảng huyện Bắc Hà vẫn chỉ đạo tổ chức các lớp bình dân học vụ và mở trường tiểu học ở khu phố Bắc Hà, khu Phố Cũ, thuộc huyện Si Ma Cai ngày nay. Năm 1957, huyện Bắc Hà được cấp trên công nhận là đơn vị khá về phong trào bình dân học vụ, xã Tà Chải được Bộ Giáo dục tặng Bằng khen. Tuy nhiên chỉ từ cuối năm 1958, đầu năm 1959, khi được tăng cường lớp giáo viên đầu tiên từ miền xuôi theo tiếng gọi của Đảng, Bác Hồ, họ đã tình nguyện lên vùng cao Bắc Hà, dựng trường mở lớp, phong trào giáo dục địa phương mới thực sự có bước chuyển biến mới, nhất là trong thực hiện kế hoạch 5 năm lần thứ nhất (1960 - 1965).

Trải qua 50 năm xây dựng, phát triển sự nghiệp giáo dục & đào tạo huyện Bắc Hà đã vượt qua khó khăn thử thách, từng bước xây dựng hệ thống trường học ở các xã, vươn tới các thôn, bản vùng cao. Năm 1962, phong trào xoá mù chữ, vận động con em đồng bào dân tộc thiểu số ra lớp, trong đó phong trào học chữ Mông phát triển mạnh mẽ, là điển hình tiên tiến của ngành giáo dục ở vùng cao; xã Bản Phố được Bác Hồ khen là xã đi đầu và đề nghị các xã miền núi thi đua với xã Bản Phố. Được các cấp uỷ Đảng, chính quyền, các đoàn thể huyện và cơ sở quan tâm chỉ đạo, giúp đỡ, hệ thống giáo dục phổ thông từng bước hoàn chỉnh. Năm học 1966, trường cấp III Bắc Hà được thành lập, mốc son đánh dấu sự phát triển trong hệ thống giáo dục phổ thông của địa phương.
Thời kỳ củng cố hậu phương lớn miền Bắc xã hội chủ nghĩa trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của dân tộc, với chiến dịch ánh sáng văn hoá, kiên trì các chiến dịch chống tái mù chữ và bổ túc văn hoá, tổ chức phong trào thi đua "Hai tốt" học thật tốt, dạy thật tốt, phấn đấu trở thành tổ đội Lao động xã hội chủ nghĩa, xây dựng nhà trường thành pháo đài xã hội chủ nghĩa, ngành giáo dục Bắc Hà đã từng bước trưởng thành, liên tục nhiều năm là lá cờ đầu của tỉnh.
 

        Giờ tập tô của học sinh trường tiểu học xã Bản Phố (Bắc Hà).

 

 

Sau ngày thống nhất đất nước, đặc biệt là thời kỳ hợp nhất tỉnh mới Hoàng Liên Sơn, trải qua năm tháng khó khăn thử thách, thực hiện hai nhiệm vụ chiến lược xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, với địa bàn rộng trên 30 xã (bao gồm cả huyện Si Ma Cai ngày nay), ngành Giáo dục Bắc Hà vẫn trụ vững, cùng cấp uỷ, chính quyền triển khai thực hiện chủ trương xây dựng pháo đài biên giới, vững vàng nơi biên ải phía Bắc của Tổ quốc.
Từ khi tái lập tỉnh Lào Cai tháng 10/1991, qua 18 năm củng cố, xây dựng và phát triển, với nỗ lực triển khai thực hiện các chương trình trọng tâm của tỉnh trong phổ cập giáo dục, kiên cố hoá trường lớp, ngành Giáo dục & Đào tạo huyện Bắc Hà đã có bước tiến vượt bậc về "chất". Năm 2000 đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học và chống mù chữ; năm 2007 hoàn thành phổ cập trung học cơ sở. Năm học mới 2009 - 2010, với 75 trường lớp 15.000 học sinh các cấp học, ngành học. Đó là sự nỗ lực phấn đấu không ngừng của ngành, góp phần quan trọng vào sự nghiệp trồng người, hình thành nhân cách, tri thức cho lớp lao động mới và góp phần nâng cao trình độ cho cán bộ cơ sở, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ mới. Nhiều học sinh của Bắc Hà đã trưởng thành, trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước học sinh trường cấp III Bắc Hà đã rời ghế nhà trường, lên đường nhập ngũ bổ sung cho tiểu đoàn Hoàng Liên Sơn vào Nam chiến đấu, hoặc tham gia lực lượng thanh niên xung phong chống Mỹ cứu nước. Số khác qua đào tạo, phấn đấu trưởng thành, có người đã trở thành cán bộ lãnh đạo xuất sắc của địa phương và một số bộ, ngành Trung ương như: đồng chí Cư Hoà Vần, nguyên Chủ tịch Hội đồng dân tộc của Quốc hội; đồng chí Giàng Seo Phử, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc; Thiếu tướng Nhung cựu học sinh trường cấp III Bắc Hà; Đại tá, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh tỉnh Lý Quang Cấn; cố đại tá, nguyên Giám đốc Sở Công an Lào Cai Giàng Seo Dín...
Thành tựu 50 năm xây dựng, trưởng thành của sự nghiệp giáo dục & đào tạo huyện Bắc Hà có sự đóng góp to lớn của đội ngũ thầy giáo, cô giáo qua các thời kỳ. Đó là những thầy giáo trong lớp giáo viên đầu tiên ngày mới giải phóng, dù chưa có nghiệp vụ sư phạm nhưng được Ban cán sự Đảng giao nhiệm vụå, vẫn hăm hở tổ chức vận động đồng bào, mở lại các lớp học, đồng thời thu hút đội ngũ thầy giáo của chế độ cũ tiếp tục dạy chữ, tạo nền móng ban đầu cho sự nghiệp giáo dục mới.
Lớp các thầy giáo cuối những năm 1958 - 1959, nghe theo tiếng gọi của Đảng và Bác Hồ xung phong tình nguyện "gùi cái chữ lên ngàn", về với các bản vùng cao Bắc Hà. Kế tiếp là thế hệ giáo viên trẻ, được đào tạo cơ bản - những đoàn viên, thanh niên ưu tú vừa rời ghế Trường sư phạm tỉnh, tình nguyện tham gia phong trào "Ánh sáng văn hoá" những năm bảy mươi và những năm gần đây. Tinh thần trách nhiệm, ý chí vượt qua khó khăn của thầy, cô giáo đã từng công tác trong ngành đã để lại tình cảm sâu đậm trong các thế hệ học sinh và đồng bào các dân tộc địa phương. Từ phong trào thi đua "Hai tốt", xây dựng Tổ đội lao động xã hội chủ nghĩa trong ngành Giáo dục huyện Bắc Hà, nhiều thầy, cô giáo đã trưởng thành, có người trở thành cán bộ lãnh đạo chủ chốt của địa phương, để lại tấm gương sáng cho thế hệ hôm nay như: nguyên Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban dân tộc Tráng A Pao, từng là thầy giáo của các trường Cán Cấu, Tả Van Chư; nguyên Bí thư Huyện uỷ Bắc Hà Giàng A Pao, từng là Trưởng phòng Giáo dục Si Ma Cai; nguyên phó chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai Trần Nguyên, từng là giáo viên, Trưởng phòng Giáo dục huyện Bắc Hà; Nhà giáo Ưu tú Lê Phong, nguyên Trưởng phòng Giáo dục Bắc Hà. Và bao tấm gương hy sinh, hết lòng tận tụỵ với học sinh vùng cao của các thầy, cô giáo khác còn lưu danh trong các thôn, bản điểm trường luôn được nhắc đến trong mỗi dịp kỷ niệm ngành.
Bài học lớn trong sự nghiệp xây dựng và phát triển giáo dục & đào tạo huyện Bắc Hà hơn nửa thế kỷ qua chính là sự nỗ lực vươn lên của đội ngũ các thầy, cô giáo, tinh thần đoàn kết nhất trí cao trong triển khai thực hiện nhiệm vụ của các trường học; sự quan tâm chỉ đạo sát sao phong trào giáo dục địa phương của cấp uỷ, chính quyền huyện và cơ sở; sự phối hợp chặt chẽ của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể quần chúng trong vận động nhân dân. Trải qua 50 năm xây dựng phát triển sự nghiệp giáo dục & đào tạo huyện Bắc Hà và chào mừng Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11/2009, càng trân trọng hơn sự cống hiến, đóng góp của các thế hệ thầy giáo, cô giáo cùng cao Bắc Hà.
Nhớ lời căn dặn của Bác Hồ 47 năm trước khi Người viết bài báo đăng trên báo Nhân Dân số 3.149 ra ngày thứ Năm 8/11/1962, khen ngợi Bản Phố, xã đi đầu trong phong trào xoá mù chữ. Tiếp tục Cuộc vận động "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh", thúc đẩy Cuộc vận động "Hai không" trong ngành giáo dục, không tự mãn với những thành tích đã đạt được, tăng cường đoàn kết, năng động, sáng tạo hơn trong tổ chức dạy và học, tham gia các phong trào thi đua ở địa phương. Chúng ta hy vọng ngành giáo dục & đào tạo Bắc Hà sẽ có thêm nhiều thành tựu mới.





Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Đăng nhập