image banner
Bộ Tài chính tổ chức Hội nghị đánh giá công tác thực hiện nhiệm vụ tài chính - NSNN 2014, triển khai nhiệm vụ tài chính - NSNN năm 2015.
Lượt xem: 191
      Ngày 24/12/2014, tại trụ sở Bộ Tài chính, 28 Trần Hưng Đạo, Hà Nội, Bộ Tài chính  tổ chức Hội nghị đánh giá công tác thực hiện nhiệm vụ tài chính - NSNN 2014, triển khai nhiệm vụ tài chính - NSNN năm 2015.
Bo truong.jpg
Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng phát biểu tại Hội nghị​
     Theo báo cáo do đồng chí Thứ trưởng Bộ Tài chính Trần Xuân Hà trình bày tại Hội nghị, trên cơ sở số thu 9 tháng đầu năm và làm việc với các địa phương, Chính phủ đã báo cáo Quốc hội đánh giá thu năm 2014 đạt 110,6% (vượt 63,7 nghìn tỷ đồng) so dự toán. Kết quả đến ngày 22/12/2014 thu NSNN là 831,19 nghìn tỷ đồng, đạt 106,2% dự toán, bằng 98,2% số ước thu cả năm đã báo cáo Quốc hội; trong đó: Thu nội địa đạt 105% dự toán, bằng 98,6% mức đánh giá cả năm đã báo cáo Quốc hội; thu dầu thô đạt 118,4% dự toán, bằng 94,3% mức đánh giá cả năm đã báo cáo Quốc hội; thu cân đối từ hoạt động XNK đạt 104,5% dự toán, bằng 100,1% mức đánh giá cả năm đã báo cáo Quốc hội. Ước tính cả năm thu NSNN đảm bảo mức đánh giá đã báo cáo Quốc hội. Hầu hết các địa phương đều thu đạt và vượt dự toán được giao. Nguồn vượt thu NSNN dành 10 nghìn tỷ đồng chuyển nguồn sang 2015 thực hiện chính sách tiền lương; phần còn lại tập trung thanh toán nợ và tăng chi trả nợ của NSNN.  

      Chi NSNN đảm bảo theo dự toán được giao. Công tác điều hành chi NSNN được thực hiện chủ động, tích cực; đảm bảo cân đối ngân sách các cấp; đáp ứng đầy đủ, kịp thời các nhiệm vụ chi về quốc phòng, an ninh, giáo dục - đào tạo, y tế, văn hoá, đảm bảo an sinh xã hội và xử lý kịp thời các nhiệm vụ quan trọng phát sinh (khắc phục hậu quả thiên tai, dịch bệnh, đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển đảo....). Bên cạnh đó, đã tập trung giải ngân vốn cho các dự án quan trọng, cấp bách đã được Thủ tướng Chính phủ quyết định ứng trước dự toán năm sau (vốn đối ứng các dự án ODA; ứng vốn trái phiếu Chính phủ kế hoạch năm 2015...). Cơ quan tài chính các cấp và Kho bạc Nhà nước cũng đã tăng cường công tác kiểm soát chi, nhất là thanh toán vốn đối với các dự án đầu tư từ nguồn NSNN, vốn trái phiếu Chính phủ, kinh phí tổ chức hội họp, đi công tác nước ngoài,... đảm bảo đúng mục đích, đối tượng và hiệu quả. Ước cả năm 2014, hệ thống KBNN đã thực hiện kiểm soát chi đối với 686,79 nghìn tỷ đồng chi thường xuyên của NSNN, đạt 97,5% dự toán, đã phát hiện khoảng 37 nghìn khoản chi chưa chấp hành đúng thủ tục, chế độ quy định, từ chối chưa thanh toán với số tiền 40 tỷ đồng; đối với chi đầu tư phát triển kế hoạch năm 2014, ước giải ngân qua hệ thống KBNN đạt 282,83 nghìn tỷ đồng, đạt 97,3% kế hoạch; giải ngân vốn trái phiếu Chính phủ ước đạt khoảng 88,9% kế hoạch; thông qua kiểm soát, đã từ chối thanh toán 90 tỷ đồng do chủ đầu tư đề nghị thanh toán cao hơn giá trúng thầu hoặc không có trong hợp đồng, dự toán...

Nhiệm vụ Tài chính – NSNN năm 2015

      Về thu NSNN: Trên cơ sở kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2015 và dự báo bối cảnh kinh tế thế giới và trong nước, Chính phủ đã trình Quốc hội thông qua dự toán thu cân đối NSNN năm 2014 là 911,1 nghìn tỷ đồng. Tỷ lệ huy động từ thuế, phí đạt 18,9%GDP. Trong đó: (i) Dự toán thu nội địa 638,6 nghìn tỷ đồng; (ii) Dự toán thu dầu thô 93 nghìn tỷ đồng, trên cơ sở sản lượng dự kiến 14,74 triệu tấn, giá bình quân 100 USD/thùng, đồng thời tiếp tục thu vào NSNN 75% số tiền lãi dầu, khí nước chủ nhà được chia và tiền đọc tài liệu phát sinh trong năm 2015; (ii) Dự toán thu cân đối từ hoạt động XNK 175 nghìn tỷ đồng (trên cơ sở số thu 260 nghìn tỷ đồng, chi hoàn thuế GTGT 85 nghìn tỷ đồng); (iv) Thu viện trợ 4,5 nghìn tỷ đồng.

      Về chi NSNN: Dự toán chi NSNN năm 2015 là 1.147,1 nghìn tỷ đồng, tăng 140,4 nghìn tỷ đồng (13,9%) so dự toán năm 2014, chỉ đáp ứng khoảng 1/3 nhu cầu tăng chi tối thiểu. Do đó, đòi hỏi phải bố trí chi hết sức chặt chẽ, tiết kiệm. Chính phủ đã trình và được Quốc hội thông qua nguyên tắc bố trí dự toán NSNN năm 2015 tăng chi trả nợ đảm bảo trả đủ các khoản nợ nước ngoài đến hạn và chi trả nợ lãi các khoản vay trong nước, thực hiện đảo nợ một phần khoản nợ gốc vay trong nước; bố trí chi dự phòng, dự trữ quốc gia để đảm bảo cho các nhiệm vụ về quốc phòng, an ninh và các nhiệm vụ cấp bách

       Về huy động vốn: Mức phát hành trái phiếu Chính phủ cho đầu tư năm 2015 là 85 nghìn tỷ đồng, cộng với huy động cho bù đắp bội chi (226 nghìn tỷ đồng) và đảo nợ (130 nghìn tỷ đồng), thì nhiệm vụ phải huy động trong năm 2015 là rất nặng nề (tăng khoảng 40 nghìn tỷ đồng so với năm 2014); Bộ Tài chính đang xây dựng kế hoạch để triển khai quyết liệt ngay từ đầu năm.

Tám nhiệm vụ trọng tâm để thực hiện tốt nhiệm vụ tài chính – NSNN năm 2015.

      Để hoàn thành tốt nhiệm vụ tài chính - NSNN năm 2015, Bộ Tài chính đề nghị các bộ, ngành, địa phương tập trung chỉ đạo thực hiện có hiệu quả các giải pháp phát triển kinh tế - xã hội và dự toán NSNN năm 2015 theo các nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ; trong đó tập trung vào các nội dung:

      Một là, tập trung quyết liệt công tác thu NSNN, quyết tâm phấn đấu tăng thu nội địa, thu từ hoạt động xuất nhập khẩu để bù đắp số giảm thu về dầu thô.

      Hai là, quản lý chi NSNN chặt chẽ, triệt để tiết kiệm, chống lãng phí cả trong chi thường xuyên và đầu tư; từng bước cơ cấu lại chi NSNN; xác định thứ tự ưu tiên trong phân bổ nguồn NSNN đối với từng ngành, lĩnh vực; soát lại các chương trình mục tiêu quốc gia, dự án và các chính sách chi ngân sách để đảm bảo thiết thực, tránh dàn trải, trùng lặp, không hiệu quả. Tăng cường kỷ cương, kỷ luật tài chính; tăng cường kiểm tra, giám sát và công khai, minh bạch việc sử dụng NSNN.

      Ba là, tăng cường quản lý chặt chẽ nợ công, đảm bảo khả năng trả nợ.

      Bốn là, quản lý giá theo nguyên tắc thị trường, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy sự phát triển đồng bộ các loại hình thị trường.

      Năm là, tăng cường quản lý tài chính doanh nghiệp, đẩy mạnh tái cấu trúc, cổ phần hoá doanh nghiệp nhà nước.

      Sáu là, đổi mới cơ chế tài chính đơn vị sự nghiệp công, giá dịch vụ công.

      Bảy là, tăng cường kỷ luật, kỷ cương tài chính, đẩy mạnh cải cách hành chính, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.

      Tám là, tập trung triển khai xây dựng kế hoạch tài chính - NSNN 5 năm giai đoạn 2016-2020.

      Theo đồng chí Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng, năm 2015 có vị trí rất quan trọng, là năm cuối cùng thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội 5 năm 2011-2015, là năm thứ năm thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế- xã hội và chiến lược tài chính 10 năm 2011-2020, là năm bản lề để tạo tiền đề thực hiện kế hoạch 2016-2020. Đồng thời, cũng là năm tổ chức Đại hội Đảng các cấp để tiến tới Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII và kỷ niệm nhiều ngày lễ lớn cấp quốc gia.

      Tình hình hiện nay cho thấy, sự phục hồi của nền kinh tế trong năm 2015 còn rất khó khăn, nguy cơ suy giảm tăng trưởng tại các nền kinh tế phát triển là rất lớn do ảnh hưởng của các xung đột vũ trang và bất ổn chính trị. Giá cả hàng hoá thị trường thế giới biến động mạnh, đặc biệt là dầu thô và các mặt hàng năng lượng khác. Ở trong nước, bên cạnh những kết quả đã đạt được thì kinh tế vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức. Để hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ tài chính- NSNN năm 2015, thực hiện mục tiêu tiếp tục ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, cải thiện môi trường đầu tư, tạo thuận lợi cho sản xuất kinh doanh, đảm bảo nền kinh tế phát triển bền vững và tăng trưởng hợp lý; giải quyết tốt các vấn đề xã hội, quốc phòng- an ninh trong tình hình mới. Theo đó, Bộ trưởng nhấn mạnh một số nhóm giải pháp cụ thể như:

       Một là, tập trung tổ chức triển khai thực hiện tốt các giải pháp điều hành kinh tế- xã hội và NSNN trên tinh thần tiếp tục giữ vững ổn định vĩ mô, kiểm soát lạm phát, duy trì tăng trưởng hợp lý, nâng cao năng suất lao động, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế.

       Hai là, điều hành thu NSNN quyết liệt, bảo đảm dự toán được giao. Căn cứ dự toán thu NSNN năm 2015 là 911,1 nghìn tỷ đồng đã được Quốc hội thông qua và Thủ tướng Chính phủ giao; đề nghị các Bộ và địa phương triển khai giao nhiệm vụ thu ngân sách cho các đơn vị trực thuộc và chính quyền cấp dưới theo đúng quy định, bảo đảm không thấp hơn so với dự toán được giao; phấn đấu tăng thu nội địa và thu từ hoạt động XNK ở mức cao nhất để bù đắp số giảm thu từ dầu thô...

     Ba là, quản lý chi NSNN chặt chẽ, triệt để tiết kiệm.

     Bốn là, tiếp tục hoàn thiện thể chế, tạo thuận lợi cho việc tái cơ cấu, nhất là cổ phần hoá, xác định giá trị doanh nghiệp, thoái vốn, xử lý công nợ, phá sản, giải quyết lao động dôi dư.

      Năm là, tiếp tục xây dựng và hoàn thiện thể chế, hệ thống pháp luật về thuế, hải quan, ngân sách, quản lý tài chính doanh nghiệp, thị trường vốn, thị trường chứng khoán, dịch vụ kế toán, kiểm toán nhằm mục tiêu nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý, gắn với tái cấu trúc nền kinh tế, phát triển đồng bộ thị trường vốn. Tập trung đẩy mạnh hơn nữa việc đơn giản hóa, cải cách thủ tục hành chính, nhất là thủ tục về thuế và hải quan, rút ngắn số giờ nộp thuế, phấn đấu trong năm 2015 đạt và vượt mức trung bình các nước ASEAN-6 (là 171 giờ/năm, trong đó rút ngắn thời gian nộp thuế xuống còn 121,5 giờ; thời gian làm thủ tục bảo hiểm xã hội còn 49,5 giờ), tạo thuận lợi cao nhất cho doanh nghiệp và người nộp thuế.

     Sáu là, về tăng cường kỷ cương, kỷ luật tài chính, công khai, minh bạch.

      Bảy là, về xây dựng kế hoạch tài chính- NSNN 5 năm giai đoạn 2016-2020, cần tổ chức đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ tài chính- NSNN 5 năm 2011-2015 và xây dựng kế hoạch giai đoạn 2016-2020.

      Tám là, tiếp tục thực hiện nhất quán chủ trương quản lý giá theo cơ chế thị trường có sự điều tiết của Nhà nước đối với các mặt hàng quan trọng, thiết yếu (điện, than bán cho sản xuất điện, xăng dầu, dịch vụ công,...) theo lộ trình với mức độ và thời gian điều chỉnh phù hợp để đảm bảo mục tiêu kiểm soát lạm phát, hài hòa lợi ích của người tiêu dùng, doanh nghiệp và Nhà nước.

Toan canh.jpg
Toàn cảnh Hội nghị
Tin khác
1 2 3 4 





Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Đăng nhập